Ca khúc "Chúng ta không thuộc về nhau" của Sơn Tùng M-TP vừa ra đời đã làm nên một hiện tượng âm nhạc kỳ lạ: chỉ trong 4 ngày đầu tiên sản phẩm MV ra đời đã thu hút hơn 8 triệu lượt xem. Buổi ra mắt của MV có đến 5 ngàn người tham gia trong cuồng nhiệt.
Cộng đồng mạng lại lao vào cuộc tranh luận dữ dội và bất tận về Sơn Tùng: Đạo nhạc hay không đạo nhạc? Một bộ phận giới trẻ, những người thần tượng ca sĩ trẻ, và cả những nhạc sĩ chuyên nghiệp đều đã nhập cuộc để phân tích một bài hát được chủ yếu dựng lên bằng hình ảnh (MV), bằng hình thể (diễn viên, vũ công trên màn ảnh), và bằng điệp khúc vỏn vẹn có mấy từ: "Chúng ta không thuộc về nhau!"...
Là một người không thích nhạc trẻ (gắn liền với nhạc Sơn Tùng M-TP còn gọi là Sky), và phải nghe nhạc một cách thụ động vì chiều theo sở thích của con cái, ca khúc mới nhất của Sơn Tùng không cho tôi ấn tượng tốt đẹp ngay từ đầu. Cảm nhận của tôi là phong cách của Sơn Tùng chưa có gì mới mẻ lắm so với trước, và cái cách đọc rap giai điệu chính trong các ca khúc là một đặc trưng của ca sĩ trẻ này. Dòng nhạc mà anh theo đuổi cũng chưa được định danh rõ ràng, chủ yếu là sự phá cách về mặt nghệ thuật trình diễn... Tuy nhiên, tìm hiểu, lắng nghe nhiều hơn, tôi có phần thông cảm với Sơn Tùng M-TP và giới ca sĩ trẻ khi thấy được nội lực của họ.
Đầu tiên, có thể coi đây là dòng nhạc "pha trộn" nhiều thể loại và phong cách hiện đại, có một số người gọi là undergroud, với sự xuất hiện của các ca sĩ kiêm nhạc sĩ được ví như "chiến binh chui lên từ lòng đất", chưa được thừa nhận và cũng chưa được xếp vào một dòng nhạc chính thống nào. Tôi không đủ kiến thức để biết điều này là chính xác hay không, nhưng những gì nghe - thấy được thì những ca sĩ trẻ giống như những con ngựa bất kham đang tung mình lên dữ dội nhằm khẳng định cá tính, bản thân mình giữa một thế giới rộng lớn, đầy sắc màu. Những gì mà họ thể hiện tưởng như bất cần, với một cái tôi không cần chia sẻ, thì thực ra, đó là một sự cô đơn, một nhu cầu kết nối mạnh mẽ. Điều này Vpop đã làm rất nhiều, đơn cử qua những sản phẩm âm nhạc của Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng... song những sản phẩm này vẫn chưa đi quá xa so với những ca sĩ cuối 9x.
Kế đó là phương tiện biểu đạt. Không dùng ngôn ngữ làm yếu tố chủ đạo, âm nhạc được sử dụng để gây hiệu ứng (đôi khi đến mức kích động), hình ảnh và vũ đạo cũng tạo nên sự chuyển động dữ dội giống như âm nhạc... Nghe vài đoạn ca từ thiếu sự luyến láy như "Chắc ai đó sẽ sớm quay lại thôi..." hay là "Anh đi xa quá, anh đi xa em quá!..." thì quả thật đa phần người lớn tuổi và trung niên đều không hứng thú, vì đây là một kiểu cảm xúc... lạ, với một nền nhạc cũng lạ không kém. Nhưng sự đón nhận của giới trẻ phần nào khẳng định sự hữu lý khi để những giai điệu và những phong cách mới mẻ như thế tồn tại. Những ca từ "nhát gừng" kia mang lại cho giới trẻ điều gì? Có phải ít nhất, nó đã mang đến ý niệm về một thế giới chưa được hiểu biết hết trong tâm thức người trẻ. Tôi nghe đi nghe lại đoạn nhạc "Chúng ta không thuộc về nhau", để tự nhiên hiểu rằng đó không phải là cách nói về sự đoạn tuyệt. Nếu hùng hồn tuyên bố điều ấy, một lần duy nhất, thì không có gì bàn cãi, nhưng cứ nhắc đi nhắc lại, cao trào rồi day dứt, thì cái điều "không thuộc về nhau" đang là gắn bó, ràng buộc, vừa có vẻ tuyệt vọng vừa là hy vọng. Nếu chưa khẳng định được giá trị của ca khúc, cũng như chưa quyết được đúng - sai trong các "nghi án đạo nhạc", thì có thể nói Sơn Tùng đã tìm được cách biểu đạt khác lạ để đi vào trái tim của khán giả trẻ, những người có thể là sống chưa đủ sâu nhưng có thể cảm nhận được cuộc sống bằng trực giác của mình.
Tôi cũng nghe thông tin Sơn Tùng M-TP luôn sử dụng dư luận như một phương tiện quảng bá cho mình. Anh chưa từng lên tiếng giải thích cho những đứa con tinh thần mình tạo ra, để những luồng tranh cãi tự tạo nên sự nổi tiếng. Đó có thể là định kiến xã hội, gán cho một hiện tượng gây bão mạng; hoặc nếu đúng như phân tích, thì ca sĩ trẻ này có những tham vọng... Mặt tốt của những tham vọng ấy sẽ thúc đẩy một sự phát triển mới mẻ trong âm nhạc; ngược lại, nó sẽ để lại những kinh nghiệm về đời sống cho không chỉ Sơn Tùng M-TP mà còn nhiều người cùng thời với anh.
Từ một người nghe nhạc thụ động, tôi dẹp bỏ bớt định kiến để đón nhận những sáng tạo phá cách, và hy vọng thấy được những sáng tạo thực sự có giá trị trong tương lai.
HOÀNG PHONG