Văn hóa

Chuyện ít biết khi Harry Potter đến Việt Nam

Tập 8 Harry Potter vừa phát hành trên toàn thế giới và ngay lập tức Công ty Fahasa đã nhập sách gốc về bán tại Việt Nam. Bản tiếng Việt của loạt truyện đình đám này do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ chuyển ngữ.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu.

Thông qua nhà thơ PHẠM SỸ SÁU (nguyên Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch tác quyền, nguyên Trưởng phòng Truyền thông của NXB Trẻ), Báo Đồng Nai biết được nhiều câu chuyện lần đầu tiết lộ khi Harry Potter đến Việt Nam bằng tiếng Việt.

 Harry Potter in lần đầu bằng tiếng Anh năm 1997, NXB Trẻ là đơn vị làm sách nhanh nhạy, vì sao mãi đến năm 2000 mới xuất bản bằng tiếng Việt?

- Thực ra, khi mới xuất  bản Harry Potter chưa thu hút sự chú ý của độc giả trên thế giới. Mãi đến năm 2000, sau sự kiện y2k, thiên hạ mới tìm đọc và nhận ra một thế giới phù thủy xoa dịu phần nào nỗi lo thời đại, và Harry Potter trở thành sách “nóng”. Ta nên nhớ, bản tiếng Anh Harry Potter tập đầu xuất bản ở Anh tháng 9-1997 bởi NXB Bloomsbury, mà mãi đến tháng 9-1998 thì NXB Scolastic Mỹ mới in ở Mỹ; thì chuyện NXB Trẻ đến tháng 9-2000 mới có bản quyền bản tiếng Việt chẳng có gì là lạ. Cái lạ ở chỗ bà Rowling là người trực tiếp ký hợp đồng với người dịch, và theo hợp đồng thì nhà văn Lý Lan là người được bà Rowling ủy quyền chuyển ngữ bản tiếng Việt, bản quyền bản tiếng Việt vẫn thuộc về bà Rowling. 

Cuộc thương thảo để có quyền xuất bản Harry Potter bản tiếng Việt là một quá trình gian nan và trắc trở, từ thỏa thuận miệng đến thỏa thuận bằng hợp đồng cụ thể là một thời gian không ngắn. Nhưng cái hay của NXB Trẻ là khi nhận được sự chấp thuận nhượng quyền, đã nhanh chóng triển khai in tập Harry Potter đầu tiên bằng cách chia nhỏ tập sách thành từng tập trên dưới 100 trang phát hành hàng tuần để thỏa lòng mong đợi của bạn đọc trong cả nước.

 Khi đó, Harry Potter tiếng Việt chia thành nhiều tập so với sách gốc tiếng Anh chỉ in 1 cuốn. Vào năm 2000 cách làm này có vi phạm bản quyền hay không, thưa ông?

- Tập sách chẻ nhỏ để in thay vì in nguyên một cuốn dày, một phần là đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, phần khác là dịch giả dịch không kịp. Cách làm này về cơ bản là được sự đồng ý của đại diện bản quyền của bà Rowling là đại lý Christopher Little Literary. Bản thân đại lý cũng không hiểu cách chẻ nhỏ của ta là như thế nào, mãi đến khi nguyên tập Harry Potter và hòn đá phù thủy được xuất bản, NXB Trẻ gửi cho đại lý cả bản dày và bản chẻ nhỏ thì họ mới hiểu. Và vấn đề thanh toán tiền bản quyền mới trở thành chuyện phức tạp. Tóm lại, NXB Trẻ không hề vi phạm bản quyền trong việc in gần 50 tập sách Harry Potter chẻ nhỏ.

 NXB Trẻ chính thức mua bản quyền Harry Potter bản tiếng Việt khi nào, và đối tác “khó tính” như vậy có những đòi hỏi gì?

- Từ lúc được sự đồng ý của đại lý Christopher Little Literary cho đến lúc ký kết hợp đồng chính thức là khoảng 3 tháng. 3 tháng thư qua tin lại, trao đổi thêm bớt tỷ lệ phần trăm bản quyền, đặc biệt là tỷ lệ bản quyền sẽ tăng theo số lượng bản sách bán được. Ngoài tiền ứng trước khi ký hợp đồng, hàng năm NXB Trẻ phải báo cáo quyết toán trên số lượng thực tế bán được.

 Tập 8 Harry Potter bản tiếng Anh bày bán tại hệ thống nhà sách Fahasa.  Ảnh: T.Kiều
Tập 8 Harry Potter bản tiếng Anh bày bán tại hệ thống nhà sách Fahasa. Ảnh: T.Kiều

Điều thứ hai là bản quyền bản dịch tiếng Việt là của tác giả Rowling, dịch giả Lý Lan chỉ có quyền đứng tên trên tác phẩm dịch chứ không có quyền tài sản đối với bản dịch. NXB Trẻ là đơn vị được nhượng quyền xuất bản Harry Potter bản tiếng Việt trên toàn thế giới và có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền sử dụng bản tiếng Việt của mình, tránh mọi hành động xâm hại bản quyền bản tiếng Việt của tác giả Rowling.

 Ông có quan tâm việc tác phẩm Harry Potter đến với văn hóa đọc của người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng?

- Có thể nói, Harry Potter đã thổi một luồng gió mới vào bầu không khí đọc của người Việt, cái mà ta hay gọi là nền văn hóa đọc. Từ chỗ truyện tranh Nhật Bản đang dần lên ngôi “chủ soái“ hàng tuần các NXB phát hành hàng trăm ngàn bản, thì NXB Trẻ tung ra Harry Potter tập mỏng, phát hành hàng chục ngàn bản/tuần, phần nào đã tạo ra một sự “đối trọng“ cần thiết. Từ cách dần quen đọc truyện chữ, độc giả sẽ tự tạo thói quen tìm đọc sách chữ thay vì sách tranh, tập quen dần với những ngôn từ văn học hơn là những ngôn từ ngắn gọn của truyện tranh.

So với số dân cả nước thì rõ ràng lượng sách trên đầu người còn quá thấp, đa số người biết đọc, biết viết chưa biết đến sách. Văn hóa đọc dường như có phát triển, nhưng chỉ phát triển ở các thành phố lớn, nơi có điều kiện tiếp cận với sách. Còn lại thì văn hóa đọc vẫn là ngọn đèn mờ trong cuộc sống hôm nay.

 Xin cảm ơn ông!

Thanh Kiều (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  598,231       1/1,193