Văn hóa

Phòng trà… ngắc ngoải

Mời ca sĩ nổi tiếng thì mức cát xê phải trả quá cao trong khi người đến xem không nhiều, còn nếu chỉ là những giọng ca thuộc diện "thường thường" lại không hút được khán giả.

Mời ca sĩ nổi tiếng thì mức cát xê phải trả quá cao trong khi người đến xem không nhiều, còn nếu chỉ là những giọng ca thuộc diện “thường thường” lại không hút được khán giả.

Thực tế đó đã làm cho các phòng trà được nhiều người biết đến hay mới hình thành tại TP.Biên Hòa đang rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Cá biệt có nơi đã mấy năm qua chưa hề tổ chức một đêm nhạc nào.

* Gãy gánh giữa chừng

Nếu ở thời điểm của 2 năm 2013 và 2014, phòng trà tại TP.Biên Hòa liên tục tổ chức các hoạt động giải trí với sự tham gia biểu diễn hàng đêm của nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng ở trong và ngoài nước thì từ năm 2015 đến nay, điều này đã không còn xảy ra.

Hát với nhau, khiêu vũ... là một trong những hình thức để duy trì hoạt động tại phòng trà 268 song cũng vắng khách.  Ảnh: V.TRUYÊN
Hát với nhau, khiêu vũ... là một trong những hình thức để duy trì hoạt động tại phòng trà 268 song cũng vắng khách. Ảnh: V.TRUYÊN

Bà Mai Thị Thu Thủy, chủ phòng trà My My (phường Tân Hiệp. TP. Biên Hòa), cho hay từ năm 2015 đến nay phòng trà không tổ chức chương trình ca nhạc nào. Vì mấy năm trước, cứ lần nào tổ chức đêm nhạc cũng vắng khách dù giá vé chỉ có vài chục ngàn đồng, vậy nên đơn vị quyết định không làm nữa. Còn đại diện phòng trà 268 (phường An Bình) thì cho biết thêm, từ khi ra đời vào năm 2015 đến nay, vì quá vắng khách nên phòng trà mới chỉ tổ chức được một đêm nhạc duy nhất có sự tham gia của ca sĩ khách mời, còn lại thì chỉ là những đêm nhạc hát với nhau.

Tổ chức là cầm chắc việc lỗ vốn trong tay, đây hiện đang là thực trạng chung của hầu hết các phòng trà trong tỉnh chứ không riêng gì với phòng trà My My hay 268. Thậm chí vì không duy trì được hoạt động, không ít nơi đã đóng cửa trong đó có Câu lạc bộ Sông Phố.

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, một độc giả cho rằng không phải người dân TP.Biên Hòa không thích ca nhạc tại các phòng trà trong tỉnh mà do việc quảng cáo khá im ắng nên không biết thông tin gì về các đêm nhạc để tìm đến thưởng thức. Từ chia sẻ của người dân có thể thấy rằng, để tồn tại, ngoài việc mời ca sĩ nổi tiếng thì khâu tuyên truyền quảng bá là điều cần được các đơn vị kinh doanh loại hình dịch vụ văn hóa này lưu tâm trong thời gian tới.

Còn nhớ nhiều năm trước, việc nở rộ các phòng trà và quán cà phê nhạc tại TP.Biên Hòa được đánh giá là đón đầu xu hướng thưởng thức nghệ thuật trong những không gian riêng tư, đồng thời đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày cao của người dân thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc đi trước đón đầu này đang đứng trước nguy cơ gãy gánh nửa chừng.

* Chuyển đổi để tồn tại

Dù biết là rất khó duy trì các phòng trà nhưng nếu bỏ không tiếp tục làm thì bao nhiêu công sức, vốn đầu tư coi như mất hết. Để tồn tại, nhiều tụ điểm sinh hoạt văn hóa này đã chủ động đề ra nhiều hoạt động giải trí hơn để hút khách. Trong đó, cách được nhiều phòng trà, như: Mai Phương, Lyric, Phi Hùng... chọn là tổ chức các đêm sinh hoạt hát với nhau hàng đêm, Hay như tại phòng trà 268 còn nhận người đến học và sinh hoạt khiêu vũ, song xem ra cũng rất kén khách. Vì theo bà Nguyễn Thị Huệ, chủ phòng trà 268: “Đồng giá chỉ 30 ngàn một món giải khát, được khiêu vũ, hát trên sân khấu nhưng cũng chẳng có mấy người tìm đến với chúng tôi. Hàng đêm chỉ có chưa đến 20 khách quen, nhưng để họ đến với mình thì ngay từ đầu giờ chiều chúng tôi phải gọi điện mời từng người đến sinh hoạt. Tôi thấy rất nản và chắc phải từ bỏ để chuyển sang một hình thức sinh hoạt giải trí khác trong thời gian tới”.

Việc các tụ điểm sinh hoạt văn hóa này vắng khách cũng kéo theo khó khăn đối với anh chị em nhạc công đang làm việc tại đây. Được biết, nếu trước đây mỗi đêm chơi đàn với thời gian 3 tiếng mức thù lao mà mỗi người được nhận từ 200 - 400 ngàn đồng, thì hiện nay mỗi người chỉ nhận được 100 ngàn đồng.

Từ thực tế đó, có thể thấy rằng việc duy trì hoạt động ở các phòng trà đang gặp rất nhiều khó khăn và dự báo sẽ còn nhiều trở ngại trong thời gian tới khi mà các đại nhạc hội quy mô lớn được tổ chức nhiều hơn trên địa bàn TP.Biên Hòa. Hay người yêu văn nghệ chưa xem các tụ điểm sinh hoạt văn hóa tại TP.Biên Hòa là điểm dừng chân mà vẫn chuộng tìm về TP.Hồ Chí Minh vui chơi giải trí hàng đêm như hiện nay.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  598,962       1/1,196