Văn hóa

Nhạc sĩ của nông thôn mới

Đó là biệt danh mà người dân tại TX.Long Khánh – một trong 2 địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trìu mến dành tặng cho ông Đỗ Anh Hoàng (ngụ xã Bàu Trâm, TX. Long Khánh).

Đó là biệt danh mà người dân tại TX.Long Khánh – một trong 2 địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trìu mến dành tặng cho ông Đỗ Anh Hoàng (ngụ xã Bàu Trâm, TX. Long Khánh).

Được biết, ông Đỗ Anh Hoàng không những tích cực tham gia đóng góp tiền bạc, đất đai, công sức... để xây dựng nông thôn mới tại địa phương mà còn góp sức tuyên truyền những đổi thay của quê hương bằng nhiều ca khúc do mình sáng tác, trong đó có tác phẩm Bàu Trâm ngày mới đã được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn trao giải ba trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về nông thôn mới do đơn vị này tổ chức vào tháng 4-2016.

Nhạc sĩ miền quê

Chia sẻ về giải thưởng của mình, người nông dân năm nay vừa bước sang tuổi 61 nói khiêm tốn: “Đó chỉ là sự may mắn của bản thân thôi”. Quả thật đó là sự may mắn, vì nếu không “hên” biết được thông tin về cuộc thi  sáng tác văn học nghệ thuật về nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tổ chức thì ca khúc viết về chủ đề này của một nông dân Đồng Nai đã không thể đứng chung bục nhận 1 trong 3 thứ hạng cao của cuộc thi cấp quốc gia. Song cái may mắn đó chỉ là một phần nhỏ, bởi nỗ lực của bản thân mới chính là yếu tố quyết định đưa đến giải thưởng này cho ông.

Ông Đỗ Anh Hoàng bên cây đàn guitar dạo nhạc bài hát Bàu Trâm ngày mới.
Ông Đỗ Anh Hoàng bên cây đàn guitar dạo nhạc bài hát Bàu Trâm ngày mới.

Cảm xúc để ông Đỗ Anh Hoàng viết nên ca khúc này chính là việc cùng trải nghiệm thực tế với bà con qua những buổi làm đường bê tông, khơi thông cống rãnh, gặt hái trên đồng... “Tư liệu nhiều lắm, chẳng hạn như khi đang cùng mọi người ra thăm ruộng vào buổi sáng, nhìn bông lúa vàng óng trĩu hạt là tôi thấy tim mình dạt dào cảm xúc. Tôi mong những hạt lúa kia sau khi thành gạo sẽ là những hạt ngọc tỏa đi khắp nơi để nuôi sống mọi người. Vậy là lần dở mảnh giấy và cây viết trong túi áo tôi viết ngay trên ruộng những câu: “Những hạt gạo nồng sức dân chăm sóc/Những luống cầy anh và em miệt mài/Sẽ thành hạt ngọc đất nước tươi sáng tỏa đi khắp nơi”. Hay khi cùng thanh niên trai tráng bắt đầu đổ bê tông làm đường, tôi mơ về cảnh đường xá sạch đẹp mang lại niềm vui cho mọi người. Vậy là câu hát: “Những nẻo đường làng cứng hóa niềm vui” lại tuôn ra để tôi đưa vào bài hát”- ông Hoàng, nói.

Mặc dù chưa một ngày được đào tạo qua trường lớp âm nhạc song bằng sự đam mê, ông đã tự học qua những người bạn cùng xóm để biết cách chơi guitar, ghi nốt nhạc... “Sau khi đã viết xong lời, đặt nhạc tôi vẫn tiếp tục sửa nhiều lần để ca khúc mềm mại hơn, điều này cũng mất hơn 3 tháng mới xong. Vì kiến thức âm nhạc của mình chưa nhiều nên tôi thông qua những người bạn quen biết có nhiều hiểu biết về âm nhạc để nhờ mọi người nghe và góp ý thêm cho mình”- ông Hoàng, nói.

Và nỗi buồn với tác phẩm

Giải thưởng mang đến miền vui song cũng từ giài thưởng này mà ông Đỗ Anh Hoàng lại cảm thấy buồn và tiếc cho sự ra đời cũng như đã được công nhận của một bài hát. Ông Hoàng ngậm ngùi cho hay: “Tôi viết nhạc đến nay cũng đã có gần 30 ca khúc. Trong đó, những bài hát của tôi đều được sử dụng để biểu diễn văn nghệ ở ấp, xã, thị xã, phát trên loa đài để mọi người cùng nghe. Song bài hát Bàu Trâm ngày mới đã ra đời gần 1 năm qua và hơn 4 tháng sau khi được trao giải vẫn mới được xã, thị xã sử dụng để tuyên truyền trong việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới với số lần thực hiện khiêm tốn. Tôi cảm thấy rất buồn”.

Nếu nhìn rộng ra trên phạm vi cả nước, có thể thấy việc một tác phẩm nhận được giải thưởng cao rồi sau đó xếp kho là việc không hề hiếm và thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi. Song với một tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, hàng năm phải bỏ ra kinh phí không hề nhỏ để thực hiện rất nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật cho văn nghệ sĩ để tìm ra những tác phẩm chất lượng viết về nông thôn mới nhằm tuyên truyền cho phong trào này thì đây quả là một thiếu sót đáng lưu tâm.

Ông Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh cho biết: “Hiện chúng tôi đang hướng dẫn ông Đỗ Anh Hoàng làm hồ sơ xin kết nạp vào Hội Văn học – nghệ thuật Đồng Nai. Nếu được tham gia vào hội, ông Hoàng sẽ có thêm nhiều cơ hội để tham gia sinh hoạt, học tập các nhạc sĩ chuyên nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao TX.Long Khánh: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng ca khúc này vào chương trình biểu diễn lưu động tuyên truyền về nông thôn mới tại địa phương. Đây là dịp rất tốt để quảng bá ca khúc, quảng bá hình ảnh đổi thay của quê hương trong phong trào xây dựng nông thôn mới”.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  598,346       2/1,194