Văn hóa

Để gió cuốn đi

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp của một nữ hoàng nhạc nhẹ, nghệ sĩ Ái Vân đã sang Tây Đức sinh sống khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1990.

Lý do nào Ái Vân đã bỏ lại cha già, mẹ yếu và cậu con trai 4 tuổi để ra đi không hẹn ngày về?

Nghệ sĩ Ái Vân ký tặng sách cho người hâm mộ.
Nghệ sĩ Ái Vân ký tặng sách cho người hâm mộ.

Viết tự truyện thường là một công việc thú vị để gợi lại những kỷ niệm, ký ức đẹp của một đời người. Nhưng với Ái Vân thì dường như ngược lại, chị đã phải hết sức vất vả, trăn trở và cả đau đớn, giằng xé để cố gắng viết ra những trang sách của sự thật. Đã 26 năm đằng đẵng trôi qua, mà chị chưa một lần được chính thức giãi bày lý do vì sao chị quyết phải bỏ lại phía sau ánh hào quang sân khấu, sự mến mộ của hàng triệu khán thính giả. Vì sao chị buộc phải rời Tổ quốc, xa quê hương, xa cha mẹ, xa anh chị em ruột thịt và đồng nghiệp thân yêu... giữa lúc đang ở đỉnh cao sự nghiệp và Nhà nước đang có nhiều đãi ngộ, để đơn thân lẻ bóng tha phương nơi đất khách quê người với biết bao khổ đau, buồn tủi?

Cũng vì điều này mà Ái Vân đã chịu biết bao điều oan ức khi nhiều người nghĩ chị rời bỏ đất nước vì vật chất hay danh vọng nơi xứ người. Cuốn tự truyện Để gió cuốn đi (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và First News ấn hành) ra đời, như một lời chính thức minh giải cho chị lý do rời bỏ quê nhà như một cuộc trốn chạy. Ái Vân cho biết chị cảm thấy nhẹ lòng sau khi trút được gánh nặng “ngàn cân”. Và tất cả đắng cay, đau đớn, tủi nhục đi theo chị suốt một quãng đời cũng chỉ “để gió cuốn đi” mà không oán trách một ai như lời một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trong chương 14 mang tên Tình duyên gồm 3 phần. Ở phần Cánh buồm đỏ thắm, Ái Vân kể về thời hoa mộng yêu đương của chị. Phần Tập một kể về mối quan hệ gia đình với người chồng đầu. Phần Tập hai nói về mối quan hệ với người chồng thứ hai “nhưng vì câu chuyện quá đau đớn” và những hệ lụy liên quan nên Ái Vân bỏ trống đến 6 trang in trên hình nền lốc xoáy và bão biển để tiếp sang chương 15 có tên Vượt biên.

Nội dung đại diện cho 6 trang sách không có chữ ở chương số 14 Tình duyên, được Ái Vân giãi bày, như sau: “Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này - 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện tôi chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được Nhà nước có nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi - nếu đọc được phần này - chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi. Vì thế,  sau nhiều đêm suy nghĩ - tôi xin lỗi bạn đọc cho phép tôi được xóa trắng mục này!”. Tập hai hay người chồng thứ hai chính là lý do khiến Ái Vân không về lại Việt Nam vào năm 1990. Hiện chị đang sống với người chồng “tập 3” tại Mỹ. Đây có thể là cuốn tự truyện đầu tiên có các trang sách mà không có chữ nào.

Trên 300 trang viết tưởng chừng không thể gói hết tất cả những ký ức buồn vui, vinh quanh và khổ tủi của trên 60 năm trải nghiệm, hơn 40 năm mang tiếng hát cho đời và gần 30 năm xa xứ của Ái Vân... Nhưng Để gió cuốn đi đã thực sự khơi lại trong trái tim người đọc một không gian rộng mở của hoài niệm, để riêng dành cho suy ngẫm và nhận định của mỗi người. Cuốn tự truyện còn cho chúng ta sống lại những năm tháng lịch sử rất chân thật một thời hào hùng của cuộc chiến giải phóng dân tộc.

Không ai có thể quên được nghệ sĩ Ái Vân đã thể hiện rất xuất sắc vai nữ giao liên xinh đẹp, dũng cảm trong bộ phim nổi tiếng Chị Nhung. Cuốn sách như những thước phim quay chậm, tái hiện sống động những ký ức và cảm xúc Sài Gòn những ngày sau 30-4-1975, cuộc sống nghệ sĩ bi hài thời bao cấp, chiến tranh biên giới Tây Nam và tinh thần cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược các tỉnh phía Bắc 17-2-1979 với ca khúc thao thức lòng người Hãy cho tôi lên đường của nhạc sĩ Hoàng Hiệp do Ái Vân thể hiện xuất sắc. Từng trang sách làm chúng ta càng thêm hiểu, cảm thông và yêu mến chị hơn.

Mong những năm tháng dằn vặt, đau đớn, tủi hận của chị sẽ qua đi. Ái Vân hay bất kỳ ai khác trên đời này, đã từng gánh chịu những nỗi buồn đau kiếp người sẽ “để gió cuốn đi” những điều chưa tốt để còn lại là những năm tháng đầy ấm áp, yêu thương...

Nguyễn Văn Phước

Đồng Nai

© 2021 FAP
  601,522       17/1,227