Văn hóa

Đời người - đời văn

Ngày 7-5, kỷ niệm 10 năm Ngày mất của nhà văn Hoàng Văn Bổn (12-5-2006 - 12-5-2016), Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Người của miền đất ven sông Hoàng Văn Bổn".

Ngày 7-5, kỷ niệm 10 năm Ngày mất của nhà văn Hoàng Văn Bổn (12-5-2006 - 12-5-2016), Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Người của miền đất ven sông Hoàng Văn Bổn”. Vai trò, cống hiến của nhà văn đối với nền văn học xứ Đồng Nai, kỷ niệm đối với “chú Chín Bổn” - tên gọi rất thân quen, thấm đượm nghĩa tình dân dã của lớp trẻ dành cho nhà văn, cũng được mọi người nhắc đến với bao cảm xúc dạt dào.

Quang cảnh hội thảo khoa học “Người của miền đất ven sông Hoàng Văn Bổn” tại Văn miếu Trấn Biên ngày 7-5.  Ảnh: VĂN TRUYÊN
Quang cảnh hội thảo khoa học “Người của miền đất ven sông Hoàng Văn Bổn” tại Văn miếu Trấn Biên ngày 7-5. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Sinh thời, nhà văn Lý Văn Sâm gọi Hoàng Văn Bổn là “người ươm mầm” cho vườn văn của xứ Đồng Nai, bởi khi nằm bệnh, sắp về với “thế giới người hiền”, chú Chín Bổn vẫn dặn dò: Hội phải là “vườn ươm” để cho các cây bút trẻ thắm sắc, tỏa hương chứ không phải bàn trà cho lão làng.

* Quê hương trong từng trang viết

Tên thật và bút danh của chú Chín Bổn “ngồ ngộ” đúng kiểu Nam bộ: Huỳnh Văn Bản - Hoàng Văn Bổn. Ngày sinh thật dễ nhớ: 7-5 (Chiến thắng Điện Biên Phủ) năm 1930 (thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam). Chú rất dễ gần bởi gương mặt, giọng nói cười, cung cách ứng xử đều “rặt” con người của “khoai củ”. Huỳnh Văn Bản sinh ra trong một gia đình nông dân cố cựu ven sông Đồng Nai, ở làng Bình Long, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai). Trên mảnh đất này, tác giả đã trải qua Tuổi thơ ngọt ngào, đã sống một đời sống kháng chiến cùng dân làng và đã khai bút bằng những trang viết máu lửa và thi vị.

Hình bóng của “quê hương gian lao mà anh dũng” luôn là cảm hứng chủ đạo trong các chặng đời thường, đời văn. Bước chân của nhà văn - chiến sĩ - nghệ sĩ Hoàng Văn Bổn gần như đã đi khắp mọi miền đất nước, sống trọn giai đoạn lịch sử của dân tộc: kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, trang viết của nhà văn bao quát nhiều sự kiện, giàu chất sống, đa thể loại, rộng không gian, liền mạch thời gian, để lại cho đời một “tủ sách” có thể gọi là ấn tượng: hơn 50 đầu sách, 21 kịch bản phim gồm một vạn trang viết, trong đó nhiều tác phẩm được giải quốc gia, quốc tế. Đời người - đời văn của Hoàng Văn Bổn đã tạo một dấu ấn đĩnh đạc trong kho tàng văn học xứ Đồng Nai.

Hiện thực dễ cảm nhận nhất là hình bóng quê nhà luôn da diết như chảy máu qua ngòi bút. Càng đi xa, nhà văn càng viết nhiều về quê hương. Quê hương của Hoàng Văn Bổn vốn êm ả với đời sống “khoai củ”, với sông Đồng Nai trong lành, đại ngàn huyền bí, người và vật hồn nhiên, mưa nắng hữu tình, nghèo của cải nhưng rất giàu ân nghĩa. Quê hương ấy không được bình yên, tủi nhục trong đời sống nô lệ, quật khởi trong đấu tranh giành độc lập tự do, trở thành cái nôi của Chiến khu Đ lẫy lừng, giàu kỳ tích chiến đấu mà cũng rất nhiều mất mát, tang thương. Đó là nơi ấp ủ cho hồn thơ - ý văn nảy lộc đơm hoa. Ta hiểu, vì sao mà ngoài Hoàng Văn Bổn, những Lý Văn Sâm, Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc... cùng trưởng thành từ mảnh đất này!

Nỗi đau của đời riêng gắn với nỗi đau chung của bà con, xóm làng, của cả dân tộc trong hoàn cảnh nước mất nhà tan. Cho nên, nhiều khi viết về mình, về người thân, ngòi bút của Hoàng Văn Bổn khơi động dòng mạch cảm xúc của người đọc về những điều lớn lao của đất nước.

Cuộc hành trình đi vào đời văn của Hoàng Văn Bổn gian nan mà rất đẹp, đẹp ở chất sống, ở cách thể hiện và ở lý tưởng phụng sự. Cuộc sống kháng chiến là trường đại học lớn để nhà văn học tập và thể hiện mình. May mắn cho nhà văn Hoàng Văn Bổn được “Trường đại học chiến khu” tôi luyện từ lúc mới chập chững hành văn. Ở đấy, ác liệt, gian truân, gai góc, nghiệt ngã, nhưng trưởng thành từ đây sẽ bền chắc như vàng thử lửa. Ở đấy, mọi thứ: hình sông, thế đất, đề tài, nhân vật, hương sắc, nghĩa tình... luôn sẵn cho nhà văn. Vấn đề là sự chọn lựa cho mình con đường, cách đi để sống được trong đời sống văn chương!

Nhà văn nào cũng vậy, đã cầm bút là chấp nhận sự dấn thân, cống hiến. Cái khác nhau ở mỗi người là: vì ai? bằng cách nào? Hoàng Văn Bổn từ “khoai củ” mà ra, cùng lũ người chân lấm tay bùn mà chiến đấu và viết. Do vậy, khó tìm ở Hoàng Văn Bổn những hình ảnh bóng bẩy hoặc lối văn nhiều ẩn ngữ. Văn của Hoàng Văn Bổn mộc mạc, hồn hậu, chơn chất như cuộc sống vốn có, như chính tính cách của tác giả.

Sau tiểu thuyết Vỡ đất, Bông hường bông cúc được thai nghén, nhiều trắc trở, rồi cũng được nhà văn Tô Hoài biên tập, Nhà xuất bản Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn xuất bản năm 1957, Hoàng Văn Bổn trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đợt kết nạp đầu tiên. Giai đoạn 1957-1962, ngòi bút như nở hoa sau những tháng ngày kết tinh nguyên khí, gần như mỗi năm cho ra đời một tác phẩm. Đáng kể nhất là những tác phẩm hồi ức về quê hương và tuổi thơ xa ngái làm lay động lòng người: Có những lớp người (1958), Trên mảnh đất này (1962), Tướng Lâm Kỳ Đạt (1962)... Sau đó, chủ đề về tuổi thơ, về quê hương được tái hiện nhiều lần qua các tác phẩm Tuổi thơ trong làng, Đội quân Hoa và Cỏ, Bên kia sông Đồng Nai, Lũ chúng tôi, Ó ma lai...

Qua trang viết của Hoàng Văn Bổn, tuổi thơ và quê hương, người và vật, thực và mơ đan xen, hòa quyện nhau thành những hình ảnh thân quen và mới mẻ. Ở đó, những em bé hồn nhiên, những người cùng khổ, những mảnh đời bất hạnh hiện dần lên vẻ đẹp quê mùa, bình dị, bền chặt nghĩa tình. Ở đó, quê hương nhau rún của tác giả - Vùng đất ven sông trở thành vùng đất “vàng trong lửa” với sức sống tràn đầy, hùng tráng và thơ mộng.

* Dấu ấn không phai

Những trang viết về quân đội, về cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên khắp các chiến trường Bắc - Nam thực là những trang sử bay bổng chất thơ trong rừng rực lửa đạn, bởi được viết bằng cảm xúc của nghệ sĩ ngay trong lửa đạn về những con người làm nên lịch sử. Với chủ đề này, ngoài vũ khí văn chương, Hoàng Văn Bổn có thêm vũ khí qua ống kính điện ảnh.

Gia cảnh của nhà văn không giàu tiền của, nhưng sự giàu có của nhà văn hiếm ai có được: Giải thưởng Cửu Long, giải thưởng văn học thiếu nhi của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Bộ Quốc phòng; các giải Bông sen vàng, Bông sen bạc và giải thưởng quốc tế cho nhiều kịch bản phim, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007...

Năm 1960, Hoàng Văn Bổn được phân công tham gia thành lập Xưởng phim quân đội. Nhiệm vụ tổ chức xưởng phim, biên tập, biên kịch đều là sáng tạo để có tác phẩm nghệ thuật. Ông làm việc không mệt mỏi. Có cảm giác như ông không dừng chân lâu ở một địa điểm nào. Mới làm phim ở Đường 9 Nam Lào, đã có mặt ở Hàm Rồng, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê... Hơn 21 bộ phim ra đời trong 16 năm (1964-1980), quả là một kỳ tích trong lao động nghệ thuật, đáng nói là nghệ thuật của công nghệ cao, phối hợp trí tuệ và trái tim của nhiều người. Ở Hoàng Văn Bổn, giữa phim và văn chương dường như là một đôi cánh từ một chỉnh thể cuộc sống. Mỗi khi được sống với thực tế sinh động, xưởng phim lại có phim hay, liền đó Hoàng Văn Bổn lại xuất bản được tác phẩm ấn tượng. Những tác phẩm: Tập ký sự Hàm Rồng, Sóng Hòn Mè, tiểu thuyết Nhớ phố phường về đảo Bạch Long Vĩ, ký sự Trường Sơn đánh Mỹ, Bầu trời và mặt đất, Sóng bạc đầu... ra đời trong trường hợp như thế!

Năm 1980, sau khi hoàn thành bộ phim về chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc, ông mới được chuyển về  “nơi đã ra đi”, phụ trách Hội văn nghệ Đồng Nai, Nhà xuất bản Đồng Nai, vừa “ươm mầm” cho các cây bút trẻ, vừa tiếp tục hoàn thiện những trang viết đời mình. Trong khoảng thời gian này, ngòi bút nhà văn mới được thanh thản, chắp nối cho liền mạch những điều nung nấu. Có được sự tài trợ của Nhà nước, sự động viên của đồng chí - đồng nghiệp, đặc biệt là sự chăm sóc của “nội tướng - điểm tựa tài năng” hạnh phúc của nhà văn Hoàng Văn Bổn kết đọng vào ngòi bút, nhiều tác phẩm “dày trang” được khai sinh; đặc biệt bộ tiểu thuyết mang tính sử thi 1.500 trang Nước mắt giã biệt ra đời trong dịp này.

PGS.TS HUỲNH VĂN TỚI

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  601,287       15/1,313