Kinh tế

Nguy cơ mất tiền khi góp vốn hợp tác kinh doanh bất động sản

Một số người dân ở TP.Biên Hòa đang bất an, sợ mất tiền sau khi tham gia hợp tác kinh doanh với một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh.

Một số điều khoản bất lợi cho người góp vốn
Một số điều khoản bất lợi cho người góp vốn

Dù doanh nghiệp hứa trả lãi đều đặn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì những người góp vốn không nhận được đồng lãi nào. Xem lại hợp đồng thì những người góp vốn phát hiện nhiều kẽ hở bất lợi cho mình.

* Góp vốn, nhận lãi “khủng”

Gần nửa năm nay bà N.M. (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) đứng ngồi không yên vì khoản tiền đầu tư 120 triệu đồng vào Công ty TNHH G. (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh)… bặt vô âm tín cả vốn lẫn lời. Theo bà M., bà được người quen giới thiệu tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh với một doanh nghiệp lớn có nhiều dự án bất động sản trong nước và quốc tế. Do tin người quen giới thiệu, bà M. chỉ đưa tiền mà không kiểm tra thông tin. Thời gian đầu, tính ra mỗi ngày bà M. nhận được từ 300-600 ngàn đồng tiền lãi do công ty chuyển vào tài khoản vì theo hợp đồng thì số ngày nhận tiền phân chia lợi nhuận là 20 ngày làm việc/tháng và nhận trong 24 tháng.

Công ty TNHH không được phát hành cổ phiếu

Để ghi nhận sự đóng góp tiền từ nhà đầu tư, Công ty TNHH G. đã cấp cho người góp vốn hợp tác giấy chứng nhận cổ phiếu bất động sản nội bộ với giá mỗi cổ phiếu là 8 ngàn đồng. Theo đó, tùy vào số tiền người đầu tư đóng góp sẽ được cấp giấy chứng nhận với số cổ phiếu tương đương. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì công ty TNHH không được phép phát hành cổ phiếu. Theo quy định, chỉ công ty cổ phần mới được phát hành cổ phiếu. Như vậy, ngoài những hành vi lách luật để huy động tiền từ người dân cũng như những điều khoản bất lợi cho người góp vốn, Công ty TNHH G. còn vi phạm trong phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, số tiền lãi chỉ được chuyển đều đặn trong 3 tháng đầu, còn gần 6 tháng qua bà M. không được đồng nào. Khi bà M. điện thoại hỏi thì người đại diện công ty nói doanh nghiệp đang khó khăn, phải chờ đợi khiến bà bất an muốn nhận lại tiền gốc đã góp vào nhưng cũng được trả lời khó để nhận lại.

Theo bà M., 120 triệu đồng bà góp vốn cho doanh nghiệp là khoản tiền bà tích góp lâu nay và đi vay thêm 50 triệu đồng mới có. Khi tham gia góp vốn, bà giấu gia đình nên hiện tại bà không thể nói với ai.

Là người từng tham gia góp vốn cho Công ty TNHH G., ông V.H. (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho hay, công ty đã kêu gọi được nhiều người tham gia góp vốn. Công ty đưa ra nhiều mức đóng góp để ai cũng có thể tham gia: từ 50 triệu đồng đến 30 tỷ đồng. Tùy vào mức đóng góp của mỗi người sẽ có những chế độ đãi ngộ, chẳng hạn người góp vốn 1 tỷ đồng sẽ được “tặng” 1 sổ đỏ từ 300-500m2 để làm tin. Theo doanh nghiệp thì miếng đất có giá trị thấp nhất từ 500-700 triệu đồng/lô. Còn người đóng góp vài chục triệu đồng thì nhận lãi hằng tuần và được công ty cấp chứng nhận cổ phiếu bất động sản nội bộ giá trị 8 ngàn đồng/cổ phiếu.

Thời gian đầu, công ty này nghiêm túc thực hiện trả lãi khiến đối tác yên tâm và hào hứng giới thiệu thêm người tham gia, phần lớn những người này tìm đến bạn bè, người thân quen để giới thiệu. Có người cầm cả sổ đỏ, tài sản có giá trị để đóng góp từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho công ty vì tin vào khoản tiền lãi sẽ nhận được như cam kết. Tuy nhiên chỉ thời gian ngắn, công ty lấy lý do khó khăn nên ngưng trả lãi cho người góp vốn.

* Hợp đồng có cũng như không

Quá trình kêu gọi đầu tư từ người dân, Công ty TNHH G. đưa ra cho nhà đầu tư biết những dự án cụ thể từ trong nước đến quốc tế nhưng khi ký hợp đồng thì nội dung hợp đồng lại không có bất kỳ một dự án cụ thể nào. Ngoài việc trả lãi hằng tuần, công ty này còn tạo niềm tin với khách hàng góp vốn bằng một hợp đồng gần chục trang với trên 20 điều khoản. Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ bản hợp đồng chặt chẽ và quyền lợi được bảo đảm. Tuy nhiên, về mặt giá trị pháp lý thì người hợp tác kinh doanh có nhiều bất lợi, cụ thể như: trong vòng 24 tháng, bên nhận tiền đầu tư sẽ không hoàn lại số tiền đầu tư hợp tác kinh doanh cho người góp vốn dưới bất kỳ hình thức nào mà chỉ được phép chuyển nhượng từ người này sang người khác; công ty  được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người góp vốn nếu người góp vốn kiện công ty vì bất kỳ lý do gì hoặc nhờ sự can thiệp của bên thứ 3; sau thời hạn 24 tháng, người góp vốn sẽ được thanh lý hợp đồng và hoàn lại tiền gốc bằng bất động sản, ô tô, thậm chí là cả tiền điện tử (một dạng tiền ảo)…

Đáng nói, sau tất cả những điều khoản ràng buộc đều có lợi cho phía nhận góp vốn, công ty này còn chốt lại: “Hợp đồng này chỉ có giá trị nội bộ giữa hai bên không có giá trị về mặt pháp lý…”.

Dù hợp đồng không có lợi cho nhà đầu tư nhưng phần lớn những người tham gia góp vốn lại không hề quan tâm đến bản hợp đồng, bởi hầu hết những người tham gia đều là người thân quen của nhau, vì sự tin tưởng và thấy được lợi ích thời gian đầu được trả lãi đầy đủ nên không ai quan tâm đến bản hợp đồng. Do đó, khi xảy ra tình trạng công ty nợ lãi nhiều tháng, người góp vốn chỉ biết cắn răng chịu đựng, trông chờ vào sự may rủi hy vọng được công ty trả lại tiền.

Trao đổi về những bản hợp đồng hợp tác kinh doanh kỳ lạ này, luật sư Ngô Văn Định, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, bản hợp đồng hợp tác kinh doanh có nội dung bao hàm quá lớn, không hề có tên dự án cụ thể. Hơn nữa, điều khoản “hợp đồng không có giá trị pháp lý” đã phủ  nhận toàn bộ các điều khoản hợp tác trước đó. Bên cạnh đó, công ty còn hạn chế quyền lợi khách hàng bằng cách ký hợp đồng hợp tác kinh doanh chứ không phải hợp đồng góp vốn. Với tên gọi này thì người góp vốn chỉ như một cộng tác viên của công ty chứ không phải thành viên công ty.

“Theo quy định, chỉ những người là thành viên công ty mới được quyền biết đến tình hình hoạt động công ty. Người hợp tác kinh doanh sẽ không có được những quyền lợi về kiểm soát, nắm bắt tình hình hoạt động của công ty. Đây là một bất lợi cho người góp vốn” - luật sư Định nhấn mạnh.

Minh Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,264,852       5/887