Kinh tế

Phải giữ rừng bằng mọi giá

Từ hơn 20 năm trước, Đồng Nai đã tiến hành đóng cửa rừng tự nhiên để chăm sóc và bảo vệ. Đồng Nai cũng là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác bảo vệ rừng và quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phải giữ rừng để góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

Rừng Đồng Nai có nhiều động vật hoang dã quý hiếm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Ảnh: K.Minh
Rừng Đồng Nai có nhiều động vật hoang dã quý hiếm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Ảnh: K.Minh

TIN LIÊN QUAN
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 169,2 ngàn hécta rừng. Trong đó, phân thành 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Hơn 20 năm trước, Đồng Nai đã tiến hành đóng cửa rừng để chăm sóc, bảo vệ rừng.

* Đi trước một bước

Năm 1997, UBND tỉnh đã ban hành quyết định đóng cửa rừng tự nhiên để rừng tái sinh và phục hồi. Quyết định này đã giúp Đồng Nai phục hồi và bảo vệ rừng tốt hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đến năm 2017, Chính phủ mới có chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành đóng cửa rừng tự nhiên. Vì đi trước một bước nên tỉnh còn giữ lại được nhiều diện tích rừng tự nhiên.

TS.Trần Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đánh giá: “Đồng Nai là một trong rất ít các tỉnh, thành còn giữ lại được cả trăm ngàn hécta rừng liền khoảnh. Công tác bảo vệ rừng của tỉnh thực hiện khá nghiêm ngặt, rất hiếm tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép. Tỉnh đóng cửa rừng sớm nên đa dạng sinh học phong phú, bảo tồn được nhiều động vật, thực vật quý hiếm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam”.

Thực tế, nhiều năm nay Đồng Nai không để xảy ra cháy rừng hay vụ khai thác lâm sản trái phép lớn nào. Có được kết quả trên, ngoài công tác quản lý nghiêm ngặt còn có sự góp sức lớn của người dân trong trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Đồng Nai đang xây dựng rừng kiểu mẫu - khu Bàu Sấu trong rừng tự nhiên
Đồng Nai đang xây dựng rừng kiểu mẫu - khu Bàu Sấu trong rừng tự nhiên

Ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết: “Bên cạnh việc kiểm tra, bảo vệ rừng chặt chẽ, nhiều năm qua tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân đang sống trong và gần rừng để họ cùng góp sức giữ rừng”.

* Phải tìm cách giữ rừng

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, công tác bảo vệ rừng luôn được tỉnh chú trọng. Vì giữ được rừng sẽ góp phần rất lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm bớt thiên tai do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tỉnh đã có quy hoạch cụ thể 3 loại rừng để thuận tiện cho việc bảo tồn và phát triển. “Những vướng mắc trong công tác giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ. Còn những vấn đề liên quan đến Trung ương tỉnh sẽ tiếp tục có đề xuất để Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn kịp thời tháo gỡ để đảm bảo lợi ích cho người dân và giúp công tác bảo vệ, chăm sóc rừng tốt hơn” - ông Chánh cho biết.

Thực tế, những vấn đề khó khăn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng hầu hết do các chính sách từ Trung ương. Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết: “Theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP, người nhận khoán phải sinh sống trên địa bàn xã nơi có rừng, nhưng tại Định Quán có nhiều hộ nhận khoán rừng đang ở các xã khác, nhưng nhiều năm nay vẫn bảo vệ rừng khá tốt. Những trường hợp này nên có hướng xử lý phù hợp”. Cũng theo ông Tài, nếu không tháo gỡ nhanh, sẽ ảnh hưởng đến việc giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng tại địa phương.

Giữ rừng chính là góp phần bảo vệ cho tương lai nên rất cần những chính sách phù hợp, kịp thời để giúp quản lý, khuyến khích phát triển rừng hiệu quả hơn.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,266,667       5/888