Kinh tế

Những tấm lòng thầm lặng

Cuộc giao lưu đầy xúc động giữa những người làm công tác xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội vừa được Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức tại Hội quán Trấn Biên nhân kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25-3.

Cuộc giao lưu giữa những người làm công tác xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội vừa được Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức đầy xúc động tại Hội quán Trấn Biên (TP.Biên Hòa) nhân kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25-3.

Nhân viên chăm sóc trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai.
Nhân viên chăm sóc trẻ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai.

Cô Hoàng Hiền Nhi, nhân viên Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai đưa 5 trẻ đến dự các hoạt động ngày công tác xã hội. Các em này bị hội chứng down, câm điếc bẩm sinh, nhưng quan sát cách chăm sóc học trò ân cần nhiều người tưởng nhầm cô chính là mẹ của các em.

* Chia sẻ yêu thương

Cô Nhi năm nay đã ngoài 40 tuổi, độc thân nhưng vì yêu trẻ nên đã xin vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai để chăm sóc những đứa trẻ thiếu may mắn. Gần 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc trẻ, dù rất vất vả nhưng không vì thế mà cô Nhi nghĩ đến việc bỏ nghề, vì một ngày xa những đứa trẻ này là cô đã thấy nhớ.

Cô cho biết: “Có những em vào trung tâm từ khi mới 1-2 tuổi và giờ vẫn được tôi chăm sóc. Có em được tôi chăm sóc một thời gian thì chuyển đi lớp khác nhưng vì quen rồi nên nhất định đòi trở lại lớp của cô Nhi mới chịu ngồi yên”.

Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1791 lấy ngày 25-3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam với 3 mục đích chính. Thứ nhất, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Thứ hai, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam. Thứ ba, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.

Nguyễn Thảo Phương là trẻ được cô Nhi chăm sóc lâu nhất tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai. Phương bị hội chứng down từ nhỏ và cô Nhi đã chăm sóc cho em suốt 16 năm nay.

Ở trung tâm, cô Nhi đi một bước thì Phương theo một bước như hình với bóng. Cô Nhi kể: “Phương năm nay 16 tuổi rồi nhưng vẫn đang học lớp mẫu giáo. Mọi việc ăn uống, tắm giặt vệ sinh là nhờ cả ở cô”.

Cô Đỗ Thị Huỳnh Trâm gắn bó với nghề công tác xã hội tại cơ sở bảo trợ xã hội Cô nhi viện Hoa Mai (xã Long Phước, huyện Long Thành) được 7 năm.

Cô Trâm chia sẻ mình chọn nghề này như một sự “trả ơn cho đời” vì cô từng là trẻ mồ côi, được nuôi dưỡng và trưởng thành từ chính cơ sở này. Cô Trâm còn là người giúp các em chăm chỉ học hành để sau này có được tương lai tươi sáng hơn.

“Tôi đã có nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp cao đẳng nhưng vẫn quyết định trở lại nơi mình đã lớn lên, trưởng thành để thay các cô của mình chăm sóc những em nhỏ thiếu may mắn”- cô Trâm nói.

* Hy sinh thầm lặng

Em Nguyễn Văn Trọng (13 tuổi), sinh hoạt tại Cơ sở bảo trợ xã hội Thiên Bình (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), cho biết: “Hàng ngày em được các sơ cho đi học, được ăn uống đầy đủ. Các sơ cũng chính là người định hướng cho em biết phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội sau này. Và em muốn khi lớn lên sẽ không làm cho những người đã hết lòng yêu thương mình phải thất vọng”.

Toàn tỉnh hiện có trên 500 cán bộ, nhân viên và người lao động đang ngày đêm âm thầm làm công việc chăm sóc và nuôi dạy các đối tượng trong các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và dân lập. Đối tượng bảo trợ thuộc đủ thành phần, từ người già không nơi nương tựa, trẻ nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi, trẻ khuyết tật... Việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội là công việc rất vất vả vì nhiều đối tượng không thể tự chủ bản thân, cần sự chăm sóc đặc biệt.

Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) là nơi che chở cho nhiều người già neo đơn. Đã có 233 cụ tìm đến đây lúc tuổi già, trong đó còn 106 cụ đang sống vui khỏe, 127 cụ khi qua đời được cơ sở lo mai táng chu toàn.

Nữ tu Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên, cho biết: “Cơ sở của chúng tôi tồn tại và phát triển được là nhờ tấm lòng của những cán bộ, nhân viên tận tụy, trách nhiệm, luôn coi người già như cha mẹ mình và các mạnh thường quân”.

Trong khi đó, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Đồng Nai mỗi năm lại đón thêm từ 5-8 trẻ do bị bỏ rơi. Có trẻ vừa sinh ra đã bị cha mẹ bỏ ở cổng chùa, vệ đường, cổng bệnh viện, có trẻ khi được phát  hiện còn chưa được cắt dây rốn. Để chăm sóc những trẻ này không hề đơn giản, nhân viên phải phân công nhau chăm sóc ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Trung tâm hiện có 23/56 trẻ phải chăm sóc đặc biệt. Do vậy, cán bộ nhân viên rất vất vả, nhất là khi trẻ bị bệnh nằm bệnh viện, các cô phải phân công nhau vào viện ở dài ngày”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,997,634       1/1,303