Trào lưu trà sữa không phải mới xuất hiện tại Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, mà đã du nhập vào từ những năm 2000 với công thức đơn giản là trà và sữa trộn cùng các hạt trân châu. Tuy nhiên, khi đó thị trường chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ tự pha chế với giá bán khá rẻ.
Trào lưu trà sữa đang gây sốt tại TP.Biên Hòa với nhiều cửa hàng trà sữa hệ thống. Trong ảnh: Hệ thống trà sữa Zen Tea hiện có 3 cửa hàng tại TP.Biên Hòa. |
Ở TP.Biên Hòa khoảng hơn 1 năm trở lại đây, trào lưu trà sữa đã gây sốt trở lại theo xu hướng mới khi thị trường có sự tham gia của nhiều thương hiệu trà sữa hệ thống như: Royal Tea, Zen Tea, Houjicha, Sencha, Dingtea, Gongcha...
* Chủ yếu là phân khúc tầm trung
Những khu vực thường tập trung đông các cửa hàng trà sữa là đường Phan Trung, đường Nguyễn Ái Quốc, đường Phạm Văn Thuận... Có những đoạn đường chỉ vài chục mét nhưng có tới 4-5 cửa hàng trà sữa luôn kín chỗ đậu xe, thậm chí khách đứng xếp hàng dài.
Nhìn chung, hầu hết các quán trà sữa ở TP.Biên Hòa thường nhắm tới nhóm sinh viên, học sinh, nhân viên văn phòng... ở phân khúc giá tầm trung từ 20-30 ngàn đồng/ly trà sữa cơ bản.
“Ở Biên Hòa không có nhiều hệ thống quán trà sữa ở phân khúc bậc cao như ở TP.Hồ Chí Minh, mà chủ yếu có tầm giá từ 20-35 ngàn đồng/ly. Bên cạnh những quán “ruột” gần các trường học, tôi thường chọn những cửa hàng có thương hiệu, ít khi uống trà sữa ở các quán cóc, nhỏ lẻ vì sợ không đảm bảo vệ sinh, chất lượng...” - chị Phan Thị Việt Trinh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, người quản lý tại cửa hàng trà sữa Sencha (đường Phan Trung, TP.Biên Hòa) cho biết: “Cửa hàng hướng tới phân khúc giới trẻ. Giá trà sữa khoảng từ 20-25 ngàn đồng/ly, trà trái cây 25-40 ngàn đồng/ly. Nhìn chung, trà sữa truyền thống vẫn được ưa chuộng nhất, chiếm khoảng 70-80% lượng tiêu thụ ở cửa hàng”.
Thói quen uống trà sữa ngày càng được lan rộng từ sinh viên, học sinh đến dân công sở, công ty. Trước đây, trà sữa được xem là thức uống khoái khẩu của chị em phụ nữ, nhưng giờ đã trở thành thức uống dễ gây “nghiện” với cả nam giới.
Đặng Thị Trà My (sinh viên Trường đại học Đồng Nai) nói: “Một tuần tôi thường uống ít nhất 4-5 ly trà sữa, thường là mua về để tiết kiệm thời gian và tiện dụng hơn”.
“Tôi thường đi uống trà sữa cùng bạn gái. Trước đây cũng ít khi uống trà sữa, uống nhiều rồi thành “nghiện” lúc nào không hay” - anh Minh Phương, nhân viên văn phòng ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, cho biết.
* Thị trường có xu hướng bão hòa
Sự phát triển “chóng mặt” của các cửa hàng trà sữa trên địa bàn TP.Biên Hòa khiến cho thị phần có xu hướng giảm, thị trường trà sữa ngày càng bão hòa. Hơn thế nữa, việc một số cửa hàng có tên gần như na ná nhau cũng khiến cho khách hàng khá lúng túng để phân biệt.
Đơn cử như ở TP.Biên Hòa hiện có 2 hệ thống trà sữa cùng tên Royal Tea. Trong đó, một hệ thống là Royal Tea Việt Nam nhượng quyền, một hệ thống của Royal Tea Vietnam by Hong Kong. 2 hệ thống này có menu khác nhau nhưng logo tương tự nhau, chỉ khác nhau về màu sắc.
“Hiện có 23 cửa hàng Royal Tea Việt Nam nhượng quyền ở Việt Nam. Cửa hàng hướng tới phân khúc tầm cao, giá bán vào khoảng 50 ngàn đồng/ly” - chị Đào Thu Hậu, người quản lý cửa hàng trà sữa Royal Tea Việt Nam (đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa), cho biết.
Mật độ các quán trà sữa dày đặc khiến cho “gu” uống trà sữa cũng ngày càng đa dạng, đòi hỏi các cửa hàng kinh doanh trà sữa không ngừng bổ sung thêm các món mới, vị mới. Xu hướng trà sữa “nhà làm” đang được nhiều cửa hàng lựa chọn để cạnh tranh, nâng cao chất lượng.
“Hệ thống Zen Tea ra đời được khoảng 2 năm, hiện có 3 cửa hàng. Ngoài hướng tới các bạn trẻ, sinh viên, học sinh, hệ thống còn hướng tới phân khúc người đi làm nên mở rộng thêm dịch vụ giao trà sữa tận nơi. Thông thường, lượng khách đặt trà sữa vào buổi trưa tăng đột biến, có khi một công ty, văn phòng đặt hàng từ 50-100 ly trà sữa một lúc. Ngoài ra, hệ thống còn sử dụng các nguyên liệu tự làm, như: trân châu tươi, bánh flan tự làm với hạn sử dụng trong ngày để thu hút khách hàng” - chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, quản lý cửa hàng trà sữa Zen Tea (đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa) cho biết.
Chị Đào Thu Hậu chia sẻ thêm: “Cứ mỗi tháng lại có 2-3 quán trà sữa mới khai trương, có những chương trình khuyến mại, ưu đãi để thu hút khách. Do đó để cạnh tranh và giữ vững thị phần, cửa hàng của tôi luôn đặt tiêu chí về đảm bảo chất lượng, liên tục cập nhật các món mới phù hợp với thị hiếu người dùng. Sắp tới, cửa hàng còn dự định kinh doanh thêm bánh ngọt, cà phê để hướng tới mở rộng thêm tới phân khúc người trung niên”.
Ngoài ra, hình thức các quán trà sữa cũng dần phát triển theo thời gian. Không còn đơn giản đựng trong ly nhựa bình dân, một ly trà sữa bây giờ rất đa dạng kiểu dáng: nào là trà sữa bóng đèn, trà sữa túi zip cho đến trà sữa 2 ngăn, trà sữa bình...
“Có thời điểm, tôi uống khoảng 3 cữ trà sữa đều đặn mỗi tuần, chủ yếu là uống tại quán, ít khi mua về. Hiện tại vì tính chất công việc, tôi uống ít hơn, chủ yếu vào dịp cuối tuần hoặc khi rãnh rỗi. Tôi thường lựa chọn những cửa hàng trà sữa có thương hiệu, tin tưởng về chất lượng, vệ sinh” - chị Trần Thị Huyền Trang, giáo viên một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa, chia sẻ.
Hải Quân