Kinh tế

Thêm nhiều điểm bán thực phẩm an toàn

Cuối năm 2017, Sở Công thương đã khai trương 46 điểm bán thực phẩm sạch tại 4 chợ của TX.Long Khánh và huyện Tân Phú. Người dân sinh sống gần những chợ trên đã có cơ hội chọn thực phẩm an toàn...

o bữa ăn hàng ngày.

Điểm bán thịt an toàn tại chợ Xuân Lập (TX.Long Khánh).
Điểm bán thịt an toàn tại chợ Xuân Lập (TX.Long Khánh).

Các chợ: Phú Điền (xã Phú Điền) và chợ Phương Lâm  (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú); Xuân Lập (xã Xuân Lập) và chợ Xuân Thanh (phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh) là những nơi có các điểm bán thực phẩm an toàn. Các sạp bán thực phẩm an toàn đều được gắn biển để người tiêu dùng dễ nhận diện và điều đặc biệt là sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.

* Bắt đầu từ thịt và rau

Thịt heo và rau xanh là 2 loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày nên được Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, huyện Tân Phú và TX.Long Khánh thực hiện trước. Sau đó, dự tính nhân rộng ra các mặt hàng thực phẩm khác và những chợ trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là mỗi chợ truyền thống đều có những điểm bán thực phẩm an toàn để người tiêu dùng lựa chọn.

Theo Sở Công thương, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục khai trương những điểm bán rau, thịt an toàn tại các chợ khác trên địa bàn tỉnh, từ đó từng bước hình thành các chuỗi bán rau, thịt an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời hướng tới có thể xuất khẩu những mặt hàng trên.

Ông Nguyễn Thành Khanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập (TX.Long Khánh), cho biết: “Chợ Xuân Lập có 9 điểm kinh doanh thịt heo an toàn. Để được cấp chứng nhận và gắn bảng bán thịt an toàn, các cơ quan chức năng phải mất thời gian dài tập huấn cho các tiểu thương, cán bộ quản lý chợ, kết nối với các trang trại, lò mổ, thử mẫu. Các điểm bán thịt heo an toàn trên được người tiêu dùng an tâm chọn mua nhiều hơn”.

Theo Sở Công thương, hiện có tất cả 22 điểm kinh doanh thịt heo an toàn ở 3 chợ Phú Điền, Phương Lâm và Xuân Lập.

Bà Bạch Thị Thanh Hương, tiểu thương bán thịt an toàn chợ Xuân Lập thì cho biết, nguồn gốc thịt heo được bà chọn mua từ các trang trại chăn nuôi theo quy trình an toàn và đưa về lò mổ có thú y giám sát nên đảm bảo không tồn dư các chất cấm.

“Từ khi được cấp giấy chứng nhận và gắn biển bán thịt an toàn, người tiêu dùng đi chợ chọn mua thịt nhiều hơn vì yên tâm với chất lượng”- bà Hương nói. Với mặt hàng thịt heo, việc liên kết các trang trại chăn nuôi, điểm giết mổ đạt tiêu chuẩn và đưa ra chợ khá thuận lợi, dễ kiểm soát, dễ truy xuất nguồn gốc hơn.

Có 24 điểm bán rau an toàn mới được triển khai tại 2 chợ  Xuân Thanh và Phương Lâm. Nguồn gốc rau ở đây được các tiểu thương lấy từ các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau an toàn. Còn những mặt hàng rau, củ, quả mà Đồng Nai không có thì lấy từ những cơ sở sản xuất rau an toàn của tỉnh Lâm Đồng hoặc từ chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất); tất cả đều có nguồn gốc rõ ràng.

Bà Triệu Thị Dung, tiểu  thương của điểm bán rau an toàn chợ Xuân Thanh, cho hay: “Hơn 10 loại rau, củ, quả bán tại sạp của tôi đều có nguồn gốc rõ ràng; những cơ sở sản xuất đều có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được lấy mẫu kiểm tra nhiều lần, đảm bảo không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”. Bà Dung cho rằng, được công nhận và gắn biển bán rau an toàn tạo cho người tiêu dùng tâm lý an tâm hơn khi mua sản phẩm.

* Sẽ kiểm soát chặt chất lượng

Mặc dù gắn mác sạp chợ bán hàng an toàn, song nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về chất lượng của rau và thịt liệu có được quản lý, giám sát liên tục để luôn đảm bảo an toàn.

Điểm bán rau an toàn tại chợ Xuân Thanh (TX.Long Khánh).
Điểm bán rau an toàn tại chợ Xuân Thanh (TX.Long Khánh).

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc khẳng định, vấn đề này được sở quan tâm ngay từ khi bắt đầu triển khai. Mục tiêu của sở là mở ra các điểm bán rau, thịt an toàn và duy trì được chất lượng lâu dài để người tiêu dùng an tâm và từng bước nhân rộng ra các chợ khác và nhiều mặt hàng hơn.

Trước khi khai trương những điểm bán rau, thịt an toàn, Sở Công thương đã cùng với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai tập huấn cho cán bộ quản lý, tổ kiểm tra những mặt hàng trên tại các chợ, tiểu thương. Sau đó, yêu cầu những tiểu thương tham gia ký cam kết thực hiện đúng các yêu cầu.

“Nguồn gốc rau, thịt tại các điểm được công nhận phải lấy ở những nơi sản xuất an toàn đã có lấy mẫu kiểm tra của cơ quan chuyên ngành. Sau đó, Sở Công thương sẽ cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai lấy mẫu kiểm tra chất lượng định kỳ” - ông Lộc cho biết.

Ông Nguyễn Tất Thái, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Xuân Thanh (đơn vị quản lý chợ Xuân Thanh), cho hay: “Mỗi ngày chợ Xuân Thanh tiêu thụ hơn 1 tấn rau. Việc quản lý chất lượng, nguồn gốc tại các điểm bán rau an toàn khó khăn hơn vì nhiều chủng loại. Ngoài việc tiểu thương cam kết lấy rau từ những nơi đảm bảo, hợp tác xã có tổ kiểm soát thường xuyên kiểm tra xuất xứ của các loại rau để đảm bảo an toàn”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,006,718       1/568