Kinh tế

Chọn "mặt" gửi tiền

Vài tháng gần đây, Đồng Nai có 5 quỹ tín dụng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Sai đâu sẽ có biện pháp xử lý đó, theo đúng pháp luật hiện hành. Song từ câu chuyện này, cộng với câu chuyện các "ngân hàng 0 đồng" làm ăn thua lỗ vài năm gần đây, đặt ra một vấn đề...

Vài tháng gần đây, Đồng Nai có 5 quỹ tín dụng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Sai đâu sẽ có biện pháp xử lý đó, theo đúng pháp luật hiện hành. Song từ câu chuyện này, cộng với câu chuyện các “ngân hàng 0 đồng” làm ăn thua lỗ vài năm gần đây, đặt ra một vấn đề: liệu người gửi tiền có nên chạy theo lãi suất cao để phó thác tài sản của mình cho các ngân hàng hay quỹ tín dụng mà không tìm hiểu xem “sức khỏe” thực sự của các đơn vị này ra sao?

Người dân tụ tập trước cửa Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình đòi lại tiền.
Người dân tụ tập trước cửa Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình đòi lại tiền.(Ảnh: tư liệu).

Thực tế, nhiều năm nay gửi tiền tiết kiệm cũng được xem như một kênh đầu tư sinh lãi. Do đó, người gửi tính toán từng % lãi suất và thường chọn gửi những nơi có lãi suất cao, với suy nghĩ mặc định là nếu “lỡ có gì” thì Chính phủ sẽ “cứu” ngân hàng và người gửi tiền được đảm bảo quyền lợi. Trên thực tế điều này cũng không sai khi luật chưa cho phép các ngân hàng phá sản. Song, từ tháng 11-2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, luật đã bổ sung phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, gồm: phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, chuyển giao bắt buộc... các ngân hàng quá yếu sẽ được phá sản. Và từ ngày 15-1-2018, luật này sẽ chính thức có hiệu lực.

Vậy khi một tổ chức tín dụng phá sản thì quyền lợi người gửi tiền được giải quyết ra sao? Trên nguyên tắc nếu một ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó đầu tiên sẽ được ưu tiên tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt, tiếp đến là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là các cổ đông của nhà băng đó.

Tuy nhiên, việc tiến hành phá sản một tổ chức tín dụng và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng sẽ mất một khoảng thời gian rất dài, và khoản tiền người dân nhận được sớm nhất chính là khoản bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định hiện tại, khoản bảo hiểm này tối đa chỉ có 75 triệu đồng, cho dù thực tế khoản tiền gửi có nhiều bao nhiêu chăng nữa. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo trong việc chọn nơi gửi tiền vì khoảng thời gian để một tổ chức tín dụng thanh lý tài sản và thực hiện các thủ tục phá sản chưa biết kéo dài bao lâu, trong khi tiền thì vẫn “kẹt” đâu đó trong hành trình phá sản của ngân hàng.

Nếu để ý, những ngân hàng lớn, thương hiệu mạnh thường trả lãi suất thấp hơn so với các ngân hàng hoặc quỹ tín dụng nhỏ. Lãi suất cao có thể đồng nghĩa với rủi ro cao. Do đó, cầm tiền đi gửi ngân hàng ngày nay cũng cần đắn đo suy nghĩ, vì Chính phủ sẽ không đứng ra bảo lãnh cho tổ chức đó khi làm ăn thua lỗ và hậu quả rõ ràng không chỉ mình tổ chức đó gánh chịu.

Vi Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,007,296       6/604