Kinh tế

Liên kết để tạo chuỗi sản phẩm theo vùng

Mới đây, trong hội nghị thúc đẩy liên kết vùng Đông Nam bộ, đại diện 7 tỉnh, thành thống nhất sẽ phối hợp tạo chuỗi cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp để cung ứng cho thị trường. Đồng Nai đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vì khá nhiều mặt hàng của TP.Hồ Chí Minh do Đồng Nai đáp ứng với số lượng lớn.

Có những công ty nhờ ứng dựng khoa học công nghệ nên sản xuất cả triệu sản phẩm/năm chỉ có dưới 10 công nhân. Sản xuất tại doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).
Một số doanh nghiệp nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ nên sản xuất cả triệu sản phẩm/năm nhưng sử dụng chưa đến10 công nhân. Trong ảnh: Sản xuất tại doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch).

Lâu nay, khoảng 40-60% sản lượng heo, gà, trứng, trái cây của Đồng Nai cung ứng cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là nơi sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước, làm đầu vào cho nhiều doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong khu vực Đông Nam bộ. Do đó, kết nối vùng sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ưu tiên sản phẩm nông nghiệp

Theo Bộ Khoa học - công nghệ, giai đoạn 2015-2017 kinh phí  cho hoạt động khoa học - công nghệ của 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ là hơn 2.200 tỷ đồng. Các địa phương dành 65-70% kinh phí hoạt động nghiên cứu, triển khai và phát triển công nghệ với tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu đạt 70-75%, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là đầu tư cho khoa học - kỹ thuật và công nghệ hơn 32%, tiếp đến là nông nghiệp khoảng 19%.

Đông Nam bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển ngành công  nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Các tỉnh, thành đều thống nhất sẽ liên kết chặt hơn nữa và ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, trong đó sẽ hình thành các chuỗi sản phẩm vùng.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học - công nghệ, nhấn mạnh: “Khoa học - công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Hiện nông nghiệp công nghệ cao đang là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Liên kết vùng Đông Nam bộ hình thành các chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ giúp giảm nhiều chi phí và tăng giá trị cho nông sản”.

Thực tế, nhiều các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong vùng đang đi đầu trong việc ứng dụng khoa học để cho ra sản phẩm năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, chủ đầu tư khai thác chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất), cho hay: “Công ty đang đặt hàng Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản đưa vào chợ. Đây sẽ là chợ đầu mối nông sản sạch lớn nhất Đồng Nai cung cấp cho tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Công ty hy vọng tạo chuỗi liên kết vùng để nông sản sạch có thị trường tiêu thụ tốt hơn”.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp nhưng tỉnh vẫn rất ưu tiên cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng Nai hiện có Khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm nghiên cứu, ứng dụng vào trong sản xuất. Tỉnh đã liên kết với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ chia sẻ những nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào trong sản xuất nông nghiệp.

Cần “nhạc trưởng” cho vùng

Tại mỗi tỉnh, thành đều có những thế mạnh riêng về sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp khác nhau. Ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất sẽ giúp nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm công lao động đang dần khan hiếm. Liên kết giữa các sở khoa học - công nghệ sẽ giúp các tỉnh, thành tiết kiệm được nhiều chi phí trong các nghiên cứu, ứng dụng những phát minh, sáng kiến mới vào trong sản xuất.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng vẫn ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chợ đầu mối Dầu Giây nơi bán sỉ nông sản sạch.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng vẫn ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chợ đầu mối Dầu Giây nơi bán sỉ nông sản sạch.

Tuy nhiên, theo đại diện của các tỉnh, thành ở Đông Nam bộ, muốn làm được điều này cần có một “nhạc trưởng” để tránh sự trùng lắp trong nghiên cứu các đề tài hoặc cạnh tranh ảnh hưởng đến quy hoạch và định hướng phát triển chung của cả vùng.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở khoa học - công nghệ Bình Dương, bày tỏ: “3 vấn cơ bản nhất cần thực hiện nhanh trong liên kết vùng là chia sẻ về tiềm lực, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các địa phương chia sẻ với nhau về tiềm lực, nhiệm vụ khoa học - công nghệ sẽ tránh lãng phí trong đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ”.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng toàn cầu, do đó các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững buộc phải tìm cách ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào trong sản xuất. Đông Nam bộ là đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước nên việc liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến sẽ giúp các tỉnh, thành phát triển tốt hơn. Sản phẩm làm ra sẽ tăng được sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ở thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: “Đông Nam bộ hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, điện tử - tin học, dầu khí, nghiên cứu ứng dụng, triển khai khoa học - công nghệ để đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nơi đây tập trung một số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu. Đây là môi trường có thể đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để trở thành nơi sáng tạo từ nghiên cứu, triển khai và đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,025,178       1/448