Kinh tế

Thu ngân sách thời biến động

Nhiều năm qua, thu thuế nội địa của tỉnh chưa khi nào rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như năm nay với bối cảnh nguồn thu sụt giảm trong khi chỉ tiêu giao lại tăng chót vót...

iệc Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu cao cho một số địa phương, trong đó có Đồng Nai để bù đắp những khoản hụt khác đang tạo sức ép khá lớn.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Đồng Nai.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Đồng Nai.

Câu chuyện thu ngân sách càng “nóng” khi thời gian kết thúc năm 2017 chỉ còn 2 tháng khiến cơ quan thuế như “ngồi trên lửa”. Số thu nội địa của toàn Cục Thuế Đồng Nai tính đến ngày 20-10-2017 ước đạt hơn 23.600 tỷ đồng, đạt 70,51% so với dự toán năm, tăng 7 % so cùng kỳ năm 2016.

Chỉ tiêu chót vót

“Theo kế hoạch của Cục Thuế Đồng Nai, để có thể hoàn thành thu ngân sách, trong 2 tháng cuối năm sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như: thanh tra giá chuyển nhượng; kiểm tra thuế các doanh nghiệp thuộc diện miễn, giảm thuế do chính sách ưu đãi, những công ty thua lỗ nhiều năm… Ngoài ra đôn đốc thu kịp thời các khoản thu về đất, đặc biệt truy thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã cho thuê lại đất có thu tiền 1 lần” - Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Thuế Đồng Nai, cho biết năm 2017 nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước ở Đồng Nai được Bộ Tài chính giao tăng gần 18% so với năm 2016. nếu trừ tiền sử dụng đất, tỷ lệ tăng lên đến 20%.

“Trong 4 năm gần đây tỷ lệ tăng bình quân bao gồm cả thu tiền đất chỉ ở mức 8,89%, nhưng năm 2017 chỉ tiêu giao tăng 18% là quá cao. Chủ trương của Bộ Tài chính là tăng tỷ lệ thu này để bù đắp khoản thiếu hụt trong nguồn thu ngân sách Trung ương, nhất là nguồn thu từ đầu thô bị sụt giảm mạnh” - ông Lê Đức Anh giải thích. 

Cụ thể, năm nay Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách cho Cục Thuế Đồng Nai là 32.274 tỷ đồng, cao hơn chỉ tiêu năm 2016 là 5.474 tỷ đồng (chỉ tiêu năm 2016 là 26.800 tỷ đồng) và cao hơn mức thực thu trên 4.600 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lê Đức Anh, nếu so với 5 năm trước (năm 2012) thu thuế nội địa của tỉnh đã tăng gấp đôi, từ 16.200 tỷ đồng lên hơn 32.200 tỷ đồng. Ông Lê Đức Anh cho rằng việc thu ngân sách không phải năm nào cũng giống nhau nên cần xem xét từ thực tế, hiện Bộ Tài chính đang giao cho địa phương ở mức quá cao.

Về việc này, TS.Trần Ngọc Hoàng, giảng viên Khoa Tài chính - kế toán Trường đại học Lạc Hồng, Chủ tịch Hội Kế toán Đồng Nai, cho rằng khi giao chỉ tiêu về thu ngân sách ở các địa phương, điều quan trọng nhất phải căn cứ vào mức tăng trưởng kinh tế thực hàng năm của địa phương và sự biến động về chính sách.

“Chỉ tiêu thu ngân sách hiện nay của Trung ương theo phương án nhìn vào mức chi và giao tăng để bù cho khoản bị hụt là không chính xác. Đây là vấn đề đang bị nhiều địa phương “la làng” - TS.Trần Ngọc Hoàng nói.

* Giảm mạnh nguồn thu

Lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho biết, thu ngân sách năm nay không gặp mấy thuận lợi, nhiều nguồn bị sụt giảm, khiến mức thu đến nay không được như mong muốn, dù ngành thuế đã đưa ra nhiều phương án.

Cụ thể, những khoản sụt giảm lớn phải kể đến như: chính sách thuế sửa đổi, bổ sung đã tác động làm giảm thu, khoản này trong 9 tháng giảm khoảng 850 tỷ đồng; một số doanh nghiệp nộp ngân sách lớn hàng năm, nay lợi nhuận thấp giảm nộp khiến thất thu hơn 750 tỷ đồng; chính sách cho hồi tố ưu đãi trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu (dự án mới và đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013) nhiều nhà đầu tư nước ngoài được giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản này cũng giảm hơn 800 tỷ đồng. Chưa kể, có nhiều doanh nghiệp chuyển đầu tư sang nơi khác; thực hiện di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1... cũng tác động làm giảm thu ngân sách đáng kể.

Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Công lý giải: “Chúng tôi thống kê chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, số giảm thu so với mọi năm do nhiều nguyên nhân lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Chính vì vậy, mức thu 9 tháng của toàn cục là 21.122 tỷ đồng, chỉ đạt 63% so với dự toán năm. Nếu không bị hụt nguồn hơn 2.500 tỷ đồng, mức thu đạt trên 70% như mọi năm thì sẽ không nhiều lo ngại”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Công, việc quản lý thuế ở Đồng Nai hiện khá chặt, vì vậy nguồn thu tiệm cận ở mức thực. Cụ thể, những năm gần đây tỷ lệ nợ đọng thuế chiếm khá thấp, chỉ từ 3-4,4% (so tổng thu ngân sách), thấp hơn mức quy định của ngành là 5%. Hàng năm các đoàn Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vào kiểm tra số tiền kiến nghị tăng thu không đáng kể. Đơn cử, qua kiểm toán Nhà nước 2015 cho niên độ 2014 chỉ hơn 360 triệu đồng; 2016 (niên độ 2015) còn 140 triệu đồng.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,025,259       1/448