Kinh tế

Tìm đầu ra cho sản xuất lớn

Liên kết sản xuất để nông sản trở thành hàng hóa với sản lượng lớn, cùng tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng... là yêu cầu ngày càng cấp thiết mà thị trường đặt ra cho sản xuất nông nghiệp...

àng sớm tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường thì càng nắm được nhiều cơ hội tốt.

Trái cây của Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong chương trình kết nối tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trái cây của Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong chương trình kết nối tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thực tế, Đồng Nai đã bắt đầu xuất hiện những vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

* Liên kết để đi xa

Một trong những nguyên nhân khiến con gà Việt Nam vừa xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính Nhật Bản là vì doanh nghiệp (DN) và người chăn nuôi đã bắt tay tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chia sẻ: “Muốn tồn tại và đi xa, liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa lớn là yêu cầu bắt buộc với ngành chăn nuôi hiện nay. Hiệp hội đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất an toàn với sản lượng hàng triệu con gà/năm. Chuỗi liên kết này đang tiếp tục được mở rộng,  không chỉ đảm bảo về sản lượng và chất lượng cho nhu cầu thị trường Nhật Bản mà còn hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường khác”. 

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) đã xuất khẩu được khoảng 2 ngàn tấn gạo an toàn đi các nước. DN cũng không ngừng mở rộng hệ thống đại lý tiêu thụ gạo an toàn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, cho hay: “Hiện nguồn cung nông sản vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của DN nên chúng tôi đang tập trung mở rộng vùng sản xuất theo chuẩn an toàn xuất khẩu. Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa tiêu chuẩn VietGAP do DN làm chủ đầu tư vừa được phê duyệt là tín hiệu vui cho hướng phát triển này”.

Đến nay, Đồng Nai đã phê duyệt 13 dự án cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, một số dự án, như: ca cao, điều, trái cây... đã bắt đầu gặt hái những quả ngọt đầu mùa khi thị trường xuất khẩu ngày càng rộng cửa.

* Chủ động nắm cơ hội

Đây là năm đầu tiên Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) bắt đầu cung cấp chôm chôm, sầu riêng vào kênh siêu thị. Tuy mới ở giai đoạn đầu, nhưng hợp tác xã đã có những đơn hàng lớn và đang tiếp tục mở rộng thêm nhiều mặt hàng trái cây cho kênh tiêu thụ này.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, vui vẻ nói: “Có được kết quả này là nhờ hợp tác xã đã tích cực chủ động tham gia các chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, căn cơ đầu tiên là chúng tôi đã tổ chức được vùng sản xuất chuyên canh theo chuẩn an toàn”.

Trong đó, trên 56 hécta nằm trong dự án cánh đồng lớn đang chờ được cấp chứng nhận VietGAP. Hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sạch cho cây chôm chôm và một số đặc sản trái cây khác của địa phương. 

Theo các tiểu thương của chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất), để có đầu ra bền vững, nông sản vào chợ đầu mối phải đáp ứng các yêu cầu ổn định về chất lượng, sản lượng và có giá cạnh tranh nhất.

Điều này chỉ có được khi nông dân có ý thức sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô lớn. Ở đây, hợp tác xã phải thực sự phát huy được vai trò là cầu nối cả trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì trong giai đoạn nông sản ngoại nhập đang tràn về thị trường Việt Nam như hiện nay, nông dân, hợp tác xã vẫn giữ lối tư duy cũ trong sản xuất thì sẽ mất cơ hội cạnh tranh.

 Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,070,041       1/1,019