Kinh tế

Làm ăn giỏi, cống hiến hết mình

Hơn 1 năm qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tỉnh Đồng Nai, nhằm tập hợp các cựu chiến binh làm kinh tế giỏi trong tỉnh nâng cao trình độ sản xuất, năng lực quản lý và tạo điều kiện, giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh còn gặp khó khăn về kinh tế.

Ông Phạm Quốc Hinh (trái) (xã Bàu Trâm, TX. Long Khánh) đưa hội viên cựu chiến binh đi tham quan đàn gà 18 ngàn con của gia đình ông.
Ông Phạm Quốc Hinh (trái) (xã Bàu Trâm, TX. Long Khánh) đưa hội viên cựu chiến binh đi tham quan đàn gà 18 ngàn con của gia đình ông.

Trên 80 thành viên của CLB đã tích cực hỗ trợ cho địa phương, tạo sức bật để các hội viên nghèo khó có động lực vươn lên.

* Nuôi chí làm giàu

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Huỳnh Công Phúc cho biết các hội viên cựu chiến binh trong CLB cựu chiến binh làm kinh tế giỏi không chỉ nỗ lực vươn lên, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình mà còn biết san sẻ, chung tay giúp đỡ những hội viên khác. Đây là điều đáng trân trọng, cần tiếp tục phát huy để không chỉ giúp hội viên cựu chiến binh các cấp thắt chặt tình đoàn kết, mà còn tạo đà giúp các cựu chiến binh khác cùng nhau phấu đấu vươn lên làm giàu.

Từ TP.Hải Phòng vào Đồng Nai sinh sống từ đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, cựu chiến binh Nguyễn Thị Cúc (ngụ phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) đã làm chủ cây xăng tại phường Xuân Thanh từ năm 2013 đến nay. Bà còn chung vốn mở một cây xăng khác tại xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ).

Năm 1982, sau khi phục viên, bà Cúc vào TX.Long Khánh làm việc tại một xí nghiệp xây lắp. Đến năm 1992, bà chuyển sang chung vốn bán lẻ xăng dầu.

Bà Cúc cho hay từ miền Bắc vào miền Nam lập nghiệp nên bà luôn cố gắng làm việc và kiên trì tích lũy. Dành dụm đến khi đủ vốn, bà mở rộng việc sản xuất, kinh doanh. “Xác định xa quê lập nghiệp nên tôi phải luôn cố gắng gồng gánh, tính toán từng chút mới có được cơ nghiệp như ngày nay” - bà Cúc chia sẻ.

Giống như bà Cúc, ông Đoàn Trung Ngọc (ngụ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) từ nơi khác đến sinh sống, chiến đấu và gắn bó với vùng đất Trảng Bom trên 50 năm.

Sau năm 1975, ông trở về cuộc sống đời thường với một bàn tay bị mất do bom đạn. Làm nông dân vốn đã cực nhọc, nay chỉ còn một bàn tay lành lặn nên ông còn vất vả hơn nữa. Sau nhiều năm trồng cà phê, nuôi cá giống..., đến năm 2008 ông mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long. Đến nay, vườn thanh long ruột đỏ của ông đã xuất đi các nước ở châu Á, trong đó có một ít diện tích cây thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGap xuất khẩu sang châu Âu.

“Sau chiến tranh, đất nước còn nhiều khó khăn. Là thương binh, việc đi lại khó khăn nên tôi quyết định làm rẫy trên mảnh đất cha mẹ để lại. Hàng chục năm nuôi trồng đủ thứ nông sản, tôi cũng tích cóp được kha khá. Nhưng cuộc sống chỉ thay đổi vào năm 2008 khi tôi phá bỏ một số loại cây trồng kém hiệu quả để tập trung vào cây thanh long ruột đỏ. Nhờ làm ăn uy tín nên tôi được nhiều công ty đặt hàng và từ đó mở rộng sản xuất, mua thêm đất trồng trọt. Sắp tới, nếu điều kiện cho phép tôi sẽ phát triển lên công ty hoặc hợp tác xã” - ông Ngọc bộc bạch.

* Cống hiến thầm lặng

Không chỉ ra sức làm giàu, nhiều thành viên của CLB Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của tỉnh còn góp sức hỗ trợ người dân trong khu vực họ sinh sống những lúc gặp khó khăn, như: cựu chiến binh Trần Cao Thắng, cựu chiến binh Phạm Quốc Hinh…

Vươn lên từ mảnh đất rừng được khai hoang sau ngày đất nước giải phóng, đến nay ông Trần Cao Thắng (ngụ ấp Chà Rang, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) trở thành nông dân sản xuất giỏi và là Bí thư Chi bộ ấp nên ông luôn sâu sát và hiểu được nhiều.

Khoảng đỉnh điểm mùa khô cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi các giếng khoan ở khu vực xung quanh nhà ông Thắng đều đã cạn nước, việc tưới cây của bà con nông dân gặp trở ngại. Ông Thắng đã bàn với ông Nguyễn Đăng Công (nông dân ở cùng ấp) bỏ tiền túi trên 300 triệu đồng để mua máy bơm, làm hồ chứa để dẫn nước từ một nhánh của sông La Ngà cách đó hơn 3km để có nước cứu rẫy tiêu của các ông và nhiều hộ xung quanh.

Đến tháng 4-2016, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và đã cứu được rẫy tiêu của nhiều hộ dân ấp Chà Rang qua được đợt khô hạn.

Còn cựu chiến binh Phạm Quốc Hinh (ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) hiện đảm nhiệm chức Chủ nhiệm CLB Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của xã và huyện.

Ông Hinh cho hay ông thường xuyên giúp đỡ các hội viên khác trong lĩnh vực nông nghiệp. “Tôi tham gia một số Hội, như: Cựu chiến binh, Nông dân, các ban liên lạc đơn vị cũ..., bởi cái tính nhiệt tình nên tôi rất hăng hái trong các hoạt động xã hội. Chỉ tính riêng mỗi Hội, một năm tôi đóng góp khoảng 5 triệu đồng cho các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, giúp anh em chung vốn làm ăn. Vừa rồi, Hội Cựu chiến binh tỉnh phát động phong trào mỗi hội viên góp tối thiểu 20 ngàn đồng để làm vốn xóa nghèo, tôi đã góp vài triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng “góp gió thành bão”, giúp các hội viên khác có cuộc sống ổn định hơn là tôi vui rồi”...

Đăng Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,070,181       1/1,017