Thời gian qua, bệnh nấm "tắc kè" có nguy cơ bùng phát thành dịch tại một số địa phương. Bệnh nấm này đã gây thiệt hại rất nặng cho nhiều vùng thanh long, tập trung nhất là tại huyện Trảng Bom.
Thời gian qua, bệnh nấm “tắc kè” có nguy cơ bùng phát thành dịch tại một số địa phương. Bệnh nấm này đã gây thiệt hại rất nặng cho nhiều vùng thanh long, tập trung nhất là tại huyện Trảng Bom. Trong giai đoạn mùa mưa vào cao điểm như hiện nay, nông dân càng lo lắng dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan.
- Dù đã ngăn được dịch nấm “tắc kè”, bà Đỗ Thị Hoàng Oanh (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom)hàng ngày vẫn bám sát vườn thanh long, tỉa những cành nhiễm bệnh để ngăn nấm lây lan. |
Theo một số nông dân giàu kinh nghiệm trồng thanh long, nếu chủ động trong phòng trừ thì có thể ngăn dịch nấm “tắc kè” phát sinh. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan, có khả năng bùng phát thành dịch lớn nhưng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị.
* Nông dân thiệt hại nặng
Thực tế, nấm “tắc kè” chỉ mới xuất hiện trên cây thanh long tại Đồng Nai trong vòng vài ba năm trở lại đây. Nấm xuất hiện quanh năm và thường lan nhanh vào mùa mưa ẩm thấp, nhưng chưa bao giờ căn bệnh này bùng phát nhanh và mạnh như trong mùa mưa này.
Vào mùa mưa, vườn thanh long của chị em bà Đỗ Thị Hoàng Oanh, nông dân trồng thanh long tại ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đều xuất hiện bệnh nấm “tắc kè”. Dù đây là mùa thuận, thanh long cho năng suất cao nhất nhưng vườn của chị em bà Oanh chỉ thu được 20-30% so với mọi năm. Những trái thu hoạch vỏ cũng bị đốm nên chỉ bán theo kiểu hàng dạt, giá thấp.
Bà Oanh chia sẻ: “Bệnh xuất hiện và lây rất nhanh trong vườn, từ vườn này sang vườn kia. Khổ nhất là nông dân tụi tui phải tự mày mò xịt đủ loại thuốc. Một số nhà vườn xử lý không kịp đã phải chặt bỏ vườn thanh long vì không cứu kịp. Chi phí đầu tư thuốc, nhân công xử lý vườn tăng cao, trong khi thu về chẳng bao nhiêu do giá thấp”.
Cùng nỗi lo, ông Đoàn Trung Ngọc, nông dân sản xuất giỏi và đi tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho biết: “Trong mùa mưa này, bệnh nấm “tắc kè” bùng phát mạnh gây thiệt hại lớn cho nông dân trồng thanh long. Một số hộ không xử lý kịp đã phải chặt bỏ vườn thanh long. Bản thân vườn thanh long của tôi do sản xuất theo chuẩn VietGAP, không được sử dụng nhiều loại thuốc độc hại nên càng lúng túng trong xử lý. Tuy hiện nay vườn của tôi đã khống chế được căn bệnh này, nhưng nguy cơ bùng phát trở lại là rất lớn, nhất là trong những ngày mưa liên tiếp như hiện nay”.
Thanh long bị nhiễm nấm “tắc kè” (ảnh chụp tại vườn thanh long ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, (ảnh nhỏ). |
* Chủ động phòng chống
Chia sẻ về kinh nghiệm xử lý loại nấm này, ông Ngọc cho biết thêm: “Loại nấm này xuất hiện nhiều nhất tại các chồi non từ đầu trụ thanh long, xì mủ và hình thành những đốm thối trên thân các nhánh thanh long như đốm hoa trên mình con tắc kè. Gặp nước mưa, nấm lan nhanh xuống các nhánh thanh long. Ngoài phun xịt các loại thuốc chống nấm, điều quan trọng nhất là phải cắt bỏ ngay những chồi, nhánh bị bệnh, dọn vườn thông thoáng không để mầm bệnh lây lan”.
Huyện Xuân Lộc có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Tuy bệnh nấm “tắc kè” có xuất hiện, nhưng đa số nhà vườn đều khống chế tốt. Chia sẻ kinh nghiệm xử lý không để bệnh nấm “tắc kè” bùng phát thành dịch, ông Phạm Thành Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) cũng là nông dân giàu kinh nghiệm trồng thanh long, góp ý: “Nấm “tắc kè” là bệnh gây thiệt hại chính trên cây thanh long. Khi để bệnh bùng phát rất nguy hiểm vì bệnh lan nhanh và rất khó xử lý. Nguy hiểm nhất là hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa rất quan trọng. Ngay từ đầu mùa mưa, các nhà vườn ở Xuân Hưng đã chủ động dọn vườn, xịt thuốc phòng bệnh khi bệnh nấm này chưa xuất hiện. Có một số vườn vẫn xuất hiện nấm “tắc kè” nhưng được kịp thời ngăn chặn ngay nên không gây thiệt hại nặng đến vườn cây. Nông dân phải chú ý cần phải cắt tỉa ngay những nhánh thanh long bị nhiễm nấm và đem đi xử lý, không để lại trong vườn vì đây là nguồn lây lan dịch bệnh”.
Bình Nguyên