Chính phủ mới phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 cho Đồng Nai, giúp nhiều dự án trên địa bàn tỉnh gỡ được nút thắt để có thể tiếp tục triển khai.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp huyện Trảng Bom chuyển sang đất phi nông nghiệp để làm khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hạ tầng. |
Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dự án cần phải điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất mới triển khai tiếp được, song việc này phải được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất giai đoạn 2016-2020 thì UBND tỉnh mới căn cứ vào đó phân bổ cho các địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đã hết hạn từ năm 2015, do đó các dự án phát sinh cần điều chỉnh diện tích đất sử dụng từ năm 2016 đến nay buộc phải đợi. Gần 2 năm qua, nhiều dự án trong tỉnh phải đợi vì chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
* Gấp rút điều chỉnh
Các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đang gấp rút rà soát lại những vị trí khu vực cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai tiếp các dự án. Diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 là 34.420 hécta. |
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết: “Huyện Vĩnh Cửu có đến vào chục dự án phải đợi vì phải điều chỉnh diện tích đất sử dụng khiến tiến độ của các dự án bị chậm lại. Cụ thể, dự án chợ Phú Lý chỉ có vướng mấy chục mét đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất cần phải bổ sung cũng phải đợi Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất mới đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh để có thể thu hồi đất triển khai tiếp”. Cũng theo ông Phi, huyện đang rất cần điều chỉnh sử dụng đất cho các dự án vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, hạ tầng kỹ thuật nên đang nhanh chóng hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Võ Tấn Đức, trên địa bàn huyện có rất nhiều dự án của trung ương, tỉnh, huyện cần điều chỉnh sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng buộc phải đợi. “Cuối tháng 8-2017, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, huyện có thể căn cứ vào đó để quy hoạch các phân khu 1/2000 và các dự án hoàn tất quy hoạch 1/500 trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện. Có khả năng đến cuối tháng 10-2017, huyện sẽ điều chỉnh xong quy hoạch sử dụng đất ở các dự án trình tỉnh phê duyệt để làm các bước tiếp theo” - ông Đức nói.
Năm 2016 và năm 2017, Chính phủ phân bổ cho Đồng Nai được điều chỉnh gần 12.750 hécta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để làm các công trình hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất ở, thương mại dịch vụ...
* Được phê duyệt đầu tiên
So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được phê duyệt còn các tỉnh thành khác vẫn đang phải đợi.
“Đồng Nai có rất nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của trung ương, khu vực, tỉnh cần triển khai nhanh để phát triển kinh tế - xã hội nên rất cần phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để thực hiện. Vì thế ngay sau khi Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng hoàn tất hồ sơ xin điều chỉnh đất đai của các dự án trình lên để tỉnh xem xét và phê duyệt thực hiện các bước tiếp theo” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết.
Ông Chánh còn nhấn mạnh thêm, nếu các địa phương hoàn thành nhanh hồ sơ các dự án cần điều chỉnh sử dụng đất để trình UBND tỉnh thì sẽ sớm được chấp thuận. Trong gần 2 năm chờ đợi phê duyệt của Chính phủ, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương làm trước những khâu không bị ảnh hưởng của quy hoạch sử dụng đất nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chủ tịch UBND TX.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết: “Gần 2 năm qua, những dự án phải thu hồi đất nhưng không có trong quy hoạch buộc phải đợi vì làm trước có thể bị người dân kiện. Quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất được phê duyệt rồi công tác thuê tư vấn điều chỉnh lại quy hoạch chung của Long Khánh cho phù hợp với quá trình phát triển đô thị sẽ thuận lợi hơn và không bị ách lại”.
Trong năm 2018, tỉnh sẽ cho 11 huyện, thị, thành chuyển đổi gần 7.600 hécta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, năm 2019 gần 7.200 hécta và năm 2020 là hơn 6.900 hécta. Trong đó, chuyển đổi nhiều sang đất làm các khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng giao thông cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, đất ở, đất sản xuất phi nông nghiệp và làm các cơ sở GD-ĐT.
Hương Giang