Kinh tế

Kết nối du lịch với vùng đặc sản

Từ nhiều năm qua, việc phát triển du lịch gắn với các vùng đặc sản địa phương đã được triển khai và nhân rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở một số tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển tuyến du lịch đường sông qua địa bàn huyện Vĩnh Cửu sẽ kết nối, tạo thêm nhiều đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các đặc sản của làng nghề hươu, nai Hiếu Liêm.
Phát triển tuyến du lịch đường sông qua địa bàn huyện Vĩnh Cửu sẽ kết nối, tạo thêm nhiều đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các đặc sản của làng nghề hươu, nai Hiếu Liêm.

Tại Đồng Nai, kết nối vùng đặc sản với những điểm du lịch đã được đầu tư và dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi đặc sản. Những vùng chuyên canh này vừa giúp xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sản xuất theo các chuẩn an toàn, vừa giúp đa dạng loại hình du lịch, tạo thêm các địa chỉ thu hút du khách.

* Từ miệt vườn truyền thống

TX.Long Khánh từ lâu được biết đến như là “thủ phủ trái cây” của Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung, với nhiều loại trái cây ngon nức tiếng. Hiện tại trên địa bàn thị xã đã xây dựng nhiều mô hình miệt vườn du lịch sinh thái ở các xã, như: Xuân Lập, Bình Lộc, Bảo Quang…

Cần có quà lưu niệm mang bản sắc riêng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp nhận định, Đồng Nai có nhiều đặc thù, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái. Để kết nối tốt hơn các tuyến du lịch, thu hút nhiều du khách, các địa phương có thế mạnh về du lịch cần chú trọng đa dạng các loại hình dịch vụ kèm theo, cũng như những đặc sản, sản phẩm từ thiên nhiên để du khách có nhiều lựa chọn mua về làm quà lưu niệm, tặng phẩm. Các sản phẩm cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh và có nét đặc trưng của Đồng Nai nhằm tạo ấn tượng cho du khách ghi nhớ, có nhiều dịp trở lại tham quan, nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều chủ vườn đã bắt đầu quảng bá loại hình du lịch này thông qua mạng xã hội, từ đó lượng khách từ các nơi đổ về ngày càng đông.

Do lợi thế có sẵn nhiều loại trái cây đặc sản nên chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển du lịch miệt vườn bền vững, dài hơi đòi hỏi các nhà vườn cần liên kết với nhau, đa dạng các dịch vụ, xây dựng vùng trái cây đặc sản sạch, đảm bảm các tiêu chuẩn và có các loại trái cây hầu như quanh năm.

Ngoài TX.Long Khánh, du khách còn có thể lựa chọn nhiều địa phương, điểm du lịch miệt vườn có tiếng khác ở Đồng Nai, như: làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), Bình Sơn (huyện Long Thành),… Gần đây, huyện Tân Phú cũng có những đặc sản được du khách khá ưa chuộng, như: bưởi da xanh, sầu riêng Phú An…

Bà Dương Thị Ngọc Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Hoang Dã - đơn vị đang đầu tư khu resort ở Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), gợi ý nhiều khu vực xung quanh Vườn quốc gia Cát Tiên có tiềm năng lớn để phát triển du lịch vườn quê, bởi địa thế, cảnh quan và thổ nhưỡng ở đây có nhiều thuận lợi để trồng các loại cây đặc sản. Hơn nữa, người dân vốn cần cù, hiếu khách và dễ thương.

Do đó, nếu nông dân ở đây được phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng về du lịch nhiều hơn nữa thì hoàn toàn có thể triển khai, mở rộng các tour miệt vườn sinh thái như một số địa phương ở vùng đồng bằng Cửu Long đã áp dụng.

Mùa chôm chôm ở TX. Long Khánh
Mùa chôm chôm ở TX. Long Khánh

* Đa dạng du lịch đường sông

Thời gian qua, huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện, đặc biệt tuyến du lịch đường sông kết hợp với Đảo Ó - Đồng Trường và điểm du lịch quốc gia hồ Trị An - Mã Đà.

Trong đó, huyện có chủ trương giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, như: bưởi Tân Triều; rượu nhung hươu, nai; cam, quýt Hiếu Liêm; rượu mật nhân; cá duồng, cá lăng, tôm càng xanh... dựa trên những vùng chuyên canh nông nghiệp, các thương hiệu nông sản có tiếng của địa phương.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết xuất phát từ điều kiện của huyện với nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, nhiều loại nông sản được huyện hướng tới sản xuất chuyên canh theo các tiêu chuẩn GAP và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, như: xoài Phú Lý, bưởi Tân Triều, sản phẩm nhung hươu, nai Hiếu Liêm…

Đây là hoạt động giúp phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng, nhu cầu thị trường và giá cả cạnh tranh. Đồng thời, hoạt động này cũng mở ra cơ hội phát triển, đa dạng loại hình du lịch, nhất là đối với tuyến du lịch đường sông trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Đình Châu, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm, hiện tại trên địa bàn xã Hiếu Liêm có hơn 200 hộ làm nghề này, với tổng đàn khoảng 2 ngàn con. Từ nhiều năm nay, nhung hươu, nai Hiếu Liêm đã có tiếng gần xa. Đây được xem là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cao. Sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu.

“Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề sẽ tạo thêm đầu ra ổn định sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của làng nghề trong tương lai” - ông Châu nhấn mạnh.

Tương tự, anh Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Công ty Viet Kingfisher - công ty chuyên khai thác các chuyến du lịch cộng đồng và đạp xe xuyên rừng Chiến khu Đ, khám phá thiên nhiên ở Vĩnh Cửu, chia sẻ: “Huyện Vĩnh Cửu có nhiều điều kiện để kết hợp sản xuất nông nghiệp sạch với khởi nghiệp ở nông thôn, nhất là đối với các sản phẩm, loại hình du lịch. Công ty đang có ý định mở rộng mô hình gắn kết du lịch cộng đồng với các vùng trồng cây đặc sản, các phiên chợ nông sản sạch và làng cổ thanh bình”.

Ông Võ Văn Phi cho biết thêm, huyện sẽ có phương án hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, tiêu chuẩn chất lượng; thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kiến thức du lịch, giúp người dân nâng cao sự thân thiện, để lại ấn tượng tốt với du khách.

Hải Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,087,134       4/1,186