Kinh tế

Trồng trái cây sạch

Mấy chục năm nay ông Vũ Văn Luận, nông dân tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) luôn gắn với công việc nhà nông. Nhờ lao động chăm chỉ, từ đôi bàn tay trắng, ông đã lập nên cơ ngơi 9 hécta đất vườn trồng các loại đặc sản, như: bưởi da xanh ruột hồng, quýt đường, mãng cầu không hạt, xoài Úc, cát Hòa Lộc... mang lại lợi nhuận cao.

Ông Vũ Văn Luận giới thiệu vườn bưởi da xanh ruột hồng đang thực hiện theo quy trình sản xuất VietGAP.
Ông Vũ Văn Luận giới thiệu vườn bưởi da xanh ruột hồng đang thực hiện theo quy trình sản xuất VietGAP.

Ông Luận đang thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP với mục tiêu không chỉ cung cấp trái cây sạch cho thị trường nội địa, mà còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

* Đất ruộng đá thành vườn đặc sản

Ông Luận kể: “Thời trẻ, tôi đến vùng đất heo hút này chỉ có đôi bàn tay trắng. Tôi phải làm thuê làm mướn, tích lũy dần để mua đất lập nghiệp. Tôi mua mảnh đất ruộng xen đầy đá tảng này, trồng lúa chẳng thu hoạch được bao nhiêu nên quyết định cải tạo để trồng cây ăn trái. Để có khu vườn này, vợ chồng tôi đã rất cực công trồng và chăm sóc. Những đồng vốn đầu tư ban đầu, ngay cả tiền thuê nhân công cũng phải đi vay mượn thêm”.

Khu đất ruộng nắng thì cháy, mưa lại ngập này được ông Luận cải tạo bằng cách vừa cho đào mương thoát nước, vừa lắp đặt hệ thống tưới tự động để đảm bảo điều kiện thích hợp cho cây trồng phát  triển.

Thời gian đầu, ông Luận chủ yếu chuyên canh cây xoài, chuyển đổi từ giống xoài ba mùa mưa giá trị thấp sang các giống xoài đặc sản, như: cát Hòa Lộc, xoài Úc, xoài Thái...Ông Luận chia sẻ: “Tôi nuôi cây và được cây nuôi lại. Toàn bộ đất đai tôi tích lũy được đều dựa vào vườn cây ăn trái. Khi cây xoài hết thời hoàng kim, tôi chuyển sang trồng thêm các loại cây có múi. Tôi đa dạng chủng loại cây ăn trái để cây này gặp khó thì nguồn thu từ loại trái khác sẽ bù đắp sang. Vài năm trở lại đây, bưởi da xanh và quýt đường cho thu nhập khá ổn định nên tôi đang mở rộng diện tích các loại cây trồng này”. 

* Liên kết sản xuất an toàn

Theo ông Luận, nỗi lo lớn nhất của nông dân luôn là đầu ra cho nông sản. Ông chọn các loại cây có múi không chỉ vì những loại cây này đang cho thu nhập tốt mà còn cho thu hoạch quanh năm, có thể trữ được thời gian dài nên rủi ro về thị trường cũng thấp hơn nhiều loại cây ăn trái khác.

Nhưng tính về đường dài, ông Luận luôn xác định phải mở rộng đầu ra bền vững cho các loại trái cây đặc sản vườn nhà bằng uy tín về chất lượng và sự an toàn. Suốt cả năm qua, ông Luận bắt đầu chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, không lạm dụng phân, thuốc hóa học. Ông cũng không sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn mà để cỏ mọc tự nhiên và dùng nguồn cỏ này cải tạo đất.

Ông Luận so sánh: “Làm vườn theo hướng hữu cơ, giai đoạn đầu cây không lớn nhanh và xanh tốt bằng việc thúc phân hóa học, đầu tư cũng tốn công, tốn chi phí hơn, nhưng về lâu dài có nhiều ích lợi mà vẫn tiết kiệm. Tôi cũng đang thực hiện việc chứng nhận VietGAP cho vườn cây có múi”.

Hiện ông Luận đang là nhóm trưởng nhóm sản xuất cây có múi VietGAP xã Thanh Sơn. Ông Luận cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là thành lập được hợp tác xã trồng cây có múi VietGAP, thu hút nông dân tham gia sản xuất an toàn. Từ đó, có thể cung cấp cho thị trường trái cây sạch với sản lượng lớn, ổn định. Tuy hiện trái cây VietGAP chưa có doanh nghiệp bao tiêu, nhưng nhóm nông dân chúng tôi vẫn bỏ công tham gia các hoạt kết nối, tìm cơ hội xuất khẩu trái cây có múi an toàn”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,086,951       3/1,250