Việc cải tạo nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất), xây dựng cầu vượt nhằm tăng độ thông suốt, tránh ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông cho 2 tuyến quốc lộ 1 và 20 là điều rất cần thiết.
Nút giao Dầu Giây đang thi công xây dựng cầu vượt. |
Ngã tư Dầu Giây từ lâu được coi là một “điểm đen” về tai nạn giao thông. Mỗi ngày, trục đường này có khoảng 35 ngàn lượt xe máy, gần 25 ngàn lượt ô tô qua lại.
* Nút giao mất an toàn
Ban An toàn giao thông tỉnh đã yêu cầu Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 sớm khắc phục tình trạng ngập úng trước UBND xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) trên quốc lộ 20 và xử lý những vị trí ngập nước khi có mưa lớn, gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện. |
Là nút giao phức tạp trên trục giao thông Bắc - Nam, điểm đấu nối giữa quốc lộ 1 - 20 đi tỉnh Lâm Đồng và tỉnh lộ 769 đi cảng Gò Dầu nên lưu lượng phương tiện ở khu vực ngã tư Dầu Giây ngày càng tăng. Từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực ngã tư này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Cụ thể, vào sáng 16-4, xe tải biển số 51C-646.81 do tài xế Nguyễn Văn Thịnh (23 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) điều khiển chạy hướng Bình Thuận - TP.Hồ Chí Minh, khi đến ngã tư Dầu Giây (tại km1831 quốc lộ 1, đoạn qua xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) đã gây tai nạn liên hoàn với xe buýt và 2 xe tải khác. Vụ tai nạn khiến 6 người bị thương nặng.
Trước đó, vào ngày 11-3, bà Lý Thị Thơ (40 tuổi, quê tỉnh Ninh Thuận) điều khiển xe máy biển số 85C1-112.47 chở anh Dương Tấn Tuấn (28 tuổi) lưu thông trên quốc lộ 1, hướng TX.Long Khánh - Trảng Bom khi đến khu vực ngã tư Dầu Giây thì xảy ra va chạm với xe tải. Hậu quả, 2 người trên xe máy ngã xuống đường, bà Thơ chết tại chỗ, còn anh Tuấn bị thương.
Người dân sống gần ngã tư Dầu Giây cho biết ngã tư này thường xuyên xảy ra va chạm giao thông; nhẹ thì người điều khiển phương tiện bị thương, nặng có thể dẫn đến chết người. Chưa kể, quốc lộ 20 với đường tỉnh 769 hiện là điểm nối hành trình vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu nên mỗi ngày ở đây có rất đông xe đầu kéo, xe tải hạng nặng qua lại. Trong khi mặt đường hẹp và dốc, các phương tiện dễ xung đột, đối đầu nhau.
Ngoài ra, vào các đợt nghỉ lễ dài ngày, ngã tư Dầu Giây luôn phải “gánh” một lượng lớn phương tiện từ 2 tuyến quốc lộ 1, 20 đổ dồn về, làm lưu lượng giao thông ở đây gia tăng bất thường. Do đó, nguy cơ xảy ra tai nạn ở khu vực ngã tư Dầu Giây luôn thường trực, không chỉ đối với xe 2 bánh mà cả với các loại xe khách, ô tô cá nhân.
“Mỗi lần chạy xe từ huyện Trảng Bom để rẽ vào quốc lộ 20, tôi luôn nơm nớp lo sợ. Nếu xe khách hay ô tô tải chẳng may mất thắng thì người đi xe máy dễ bị cuốn vào. Thực tế, ở đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, chủ yếu là các phương tiện chạy ẩu, không nhường nhịn nhau” - ông Phạm Văn Thắng (ngụ xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) chia sẻ.
* Khắc phục những bất cập gây mất an toàn giao thông
Để đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao ngã tư Dầu Giây, vào tháng 2-2017, cầu vượt Dầu Giây được khởi công xây dựng với mặt cắt ngang cầu 16m, gồm 4 làn xe cơ giới. Cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 34,6m. Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1 và 20, mở rộng các bán kính nhằm đảm bảo tốc độ lưu thông 60km/giờ.
Bên cạnh đó, việc mở rộng quốc lộ 20 đoạn km0+300 đến km1+877 cũng được tiến hành. Dự kiến, nút giao này sẽ hoàn thành vào tháng 3-2018. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công của dự án rất chậm, đặc biệt công trình xây dựng cầu vượt Dầu Giây vẫn giậm chân tại chỗ do vướng mặt bằng.
Hiện Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long đang gấp rút triển khai thi công các hạng mục để phục vụ công tác thi công cầu vượt. Ghi nhận của phóng viên cho thấy tại một số vị trí còn thiếu đèn cảnh báo ban đêm, dây văng cảnh báo bị đứt, các vị trí có đèn được lắp vào cọc tiêu nên chưa bảo đảm tầm quan sát cho các phương tiện trong quá trình thi công. Một số biển báo, biển hướng dẫn gãy đổ gây khó khăn cho người điều khiển. Mặt đường có những vị trí lồi lõm, các khối bê tông làm cống thoát nước khá lộn xộn, không đảm bảo an toàn cho việc lưu thông của người dân.
Mới đây, Ban An toàn giao thông tỉnh khảo sát, kiểm tra công tác phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công hạng mục xây dựng nút giao Dầu Giây. Ban An toàn giao thông tỉnh đã yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công phải khẩn trương khắc phục những tồn tại nêu trên.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp thi công thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, như: thiếu đèn cảnh báo, chiếu sáng ban đêm; xe phục thi công chở quá tải vào công trường, làm rơi vãi đất đá, vật liệu xuống đường…
Ông Nguyễn Bôn, Phó trưởng ban chuyên trách, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị nhà thầu thi công phải lắp đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép và hết tốc độ tối đa cho phép 60km/giờ đoạn từ km0+100 đến cầu Gia Đức ở cả 2 hướng trên quốc lộ 20; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các vị trí đấu nối với nhà dân, hộ kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và buôn bán của người dân.
Thanh Hải