Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai (chỉ sau giày dép). Song nhiều năm qua, dệt may chủ yếu chỉ đảm nhận khâu gia công nên dù công lao động nhiều nhưng lợi nhuận thấp.
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa). |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 903 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Dù có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng dệt may hiện tại chủ yếu vẫn lấy công làm lời vì các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực này tại Việt Nam phần lớn đều gia công Dệt may phát triển ở Việt Nam sớm, nhưng đến nay gần 90% vẫn là gia công, chưa phát triển được khâu thiết kế, phân phối trong nước và nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu.
* Thiếu nguyên liệu sản xuất
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, đầu tư vào ngành dệt may của tỉnh đến đầu năm 2016 là gần 78 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của toàn ngành công nghiệp. Lao động làm việc cho ngành dệt may của Đồng Nai hiện cũng lên đến gần 130 ngàn người. |
Khoảng 2 năm trở lại đây, nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước đã được cải thiện, song thực tế vẫn còn kém xa so với nhu cầu vì vẫn còn những đơn hàng DN phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đến 80-90%. Nguyên liệu nhập khẩu nhiều, các DN ngành dệt may phải chịu lệ thuộc rất lớn, lợi nhuận bị thu hẹp.
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa), cho hay: “Công ty chuyên sản xuất chăn drap, gối, nệm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Dù công ty luôn ưu tiên tìm nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, nhưng đến nay vẫn phải nhập khẩu từ 80-90%”. Cũng theo ông Linh, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước còn rất thiếu và yếu, giá sản phẩm cao, chất lượng không đảm bảo nên công ty phải nhập khẩu vải, chỉ và các phụ liệu khác từ Hàn Quốc.
Nhiều DN dệt may khác tại Đồng Nai cũng cho biết rất chú trọng trong việc chọn nguyên liệu trong nước. Vì theo quy định của một số hiệp định thương mại tự do đã ký kết, muốn được hưởng ưu đãi về thuế thì nguyên liệu phải sản xuất trong nước. Tuy nhiên đến thời điểm này, đơn hàng nào cao nhất cũng chỉ chủ động được 40-50% nguyên liệu trong nước. Đây là một trong những lý do chính khiến nhập khẩu của Đồng Nai từ thị trường Hàn Quốc trong những năm gần đây tăng khá cao, trong đó nguyên phụ liệu cho ngành dệt may là nhập khẩu nhiều nhất.
Ông Lê Trí Minh, Chi hội trưởng Chi hội ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, cho hay: “DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường là DN nhỏ, siêu nhỏ. Khó khăn lớn nhất là mặt bằng sản xuất và vốn. Nếu được hỗ trợ thuê mặt bằng với giá ưu đãi trong các khu, cụm công nghiệp và vay vốn lãi suất thấp để đầu tư máy móc hiện đại, tôi nghĩ ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may cũng như các ngành khác sẽ rất phát triển và không thua kém các nước khác”. Khi công nghiệp hỗ trợ phát triển, DN sẽ giảm được nhập khẩu nguyên liệu, có nguồn cung trong nước sẽ chủ động được sản xuất và giá trị gia tăng của ngành dệt may cũng sẽ tăng cao.
* Lường trước rủi ro
Hàng chục năm nay, khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chọn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may chiếm tỷ lệ cao so với các lĩnh vực khác, chủ yếu là để tận dụng lợi thế về lao động giá rẻ cùng những đòi hỏi về môi trường chưa cao.
Khi những lợi thế trên không còn nữa, có khả năng các DN nước ngoài sẽ rút dần khỏi Việt Nam, tìm quốc gia khác có lợi thế hơn để đầu tư, đến lúc đó số lao động mất việc rất nhiều.
Bà Trương Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), cho biết ngành dệt may có mặt tại Việt Nam khá sớm nhưng phát triển không cân đối, nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ 60-90% nên lợi nhuận thu về rất thấp. “Muốn tăng được giá trị gia tăng cho ngành dệt may và hưởng được nhiều ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Vì thế trong quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam, Bộ Công thương yêu cầu các tỉnh, thành hạn chế thu hút DN may mặc mà ưu tiên thu hút DN hỗ trợ cho ngành này” - bà Hà nói.
Thực tế, chỉ khi có được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước chất lượng tốt, giá thành mới thấp xuống được và nâng được khả năng cạnh tranh cho ngành dệt may. Bên cạnh đó, khi Việt Nam không còn lợi thế về lao động giá rẻ thì vẫn còn lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất, cũng là một yếu tố giúp giữ chân được DN nước ngoài trên lĩnh vực này lâu dài.
“Đồng Nai đã sớm nhận ra hạn chế nên đã có đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển dệt may, trong đó tập trung thu hút công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành. Thời gian qua, nhiều DN trong và ngoài nước trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho dệt may đã đầu tư vào tỉnh. Tỉnh cũng đang tiến hành kết nối để các DN cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau để sản xuất” - ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, cho hay.
Hương Giang