Kinh tế

Tiềm năng du lịch trực tuyến

Gần đây, xu thế đặt mua các tour du lịch tăng cao, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) du lịch biết tận dụng kênh này để quảng bá, kinh doanh.

Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa) hiện đã chú ý quảng bá, giới thiệu dịch vụ, giá cả trên website của mình và lượng khách đến ngày một đông.
Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa) hiện đã chú ý quảng bá, giới thiệu dịch vụ, giá cả trên website của mình và lượng khách đến ngày một đông.

Thông tin từ Bộ Công thương, năm 2016 giao dịch trực tuyến giữa DN và người tiêu dùng đạt 5 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Trong đó, gần một nửa người dùng internet có đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour du lịch... theo hình thức trực tuyến.

Đồng Nai có khoảng 28 công ty lữ hành và hơn 120 khách sạn lớn. Những năm gần đây, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trong tỉnh đã bắt đầu chú ý đến quảng bá, giao dịch trực tuyến nhưng số lượng chưa nhiều.

* Nhu cầu tăng nhanh

Báo cáo “Các xu hướng du lịch châu Á năm 2016” của Tổ chức Du lịch thế giới (Liên hiệp quốc) cho thấy, du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ở mức cao nhất thế giới. Những yếu tố về dân số, thu nhập, công nghệ di động, mạng xã hội… đang tác động mạnh mẽ đến du lịch ở khu vực này.

Các DN du lịch của Việt Nam cũng nhanh chóng bắt lấy lợi thế trên, nhanh chóng chú trọng đến thương mại điện tử dành cho ngành du lịch.

Ông Phạm Thành Công, quản lý cấp cao phụ trách tư vấn khối các DN bán lẻ Công ty TNHH Nielsen Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh), chuyên nghiên cứu về thị trường, cho hay: “Doanh thu du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 là 565 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm trước đó. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng nhanh này. Từ đầu năm 2017, thị trường châu Á - Thái Bình Dương chiếm ngôi vị đầu bảng. Việt Nam là một trong những nước của khu vực này phát triển khá nhanh về du lịch trực tuyến”.

Việt Nam có số lượng người dùng internet tăng nhanh, đang là thuận lợi lớn cho DN tham gia du lịch trực tuyến. Rất nhiều người trẻ trước khi quyết định đi du lịch đều tìm hiểu thông tin về nơi đến trên mạng, sau đó đặt vé, phòng và các dịch vụ khác trực tuyến. Đặc biệt, xu hướng của giới trẻ trong nước hiện nay thích du lịch trải nghiệm đến những nơi xảy ra các sự kiện lớn được quảng bá trên phim ảnh.

Bà Lê Tú, đại diện của Google Asia Pacific tại Việt Nam, cho biết: “Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghệ tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch. Sự gia tăng mạnh của tầng lớp khách lẻ sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch trực tuyến đã thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Điều này đòi hỏi các DN du lịch phải đưa ra những giải pháp công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của khách lẻ trong suốt thời gian du lịch”.

Bà Tú còn nhấn mạnh thêm, báo cáo gần đây của Google dự đoán quy mô du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD vào năm 2015, lên 90 tỷ USD vào năm 2020.  Các DN cung cấp dịch vụ lưu trú, lữ hành, các hãng vận tải, hàng không và mọi hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam đang chịu tác động lớn từ nền kinh tế số.

* Không nên bỏ lỡ

Ông Võ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thừa nhận là 20 năm trước Chính phủ mở cửa internet, ngành du lịch đã xây dựng website: Vietnamtour.com để tuyên truyền, quảng bá các khu du lịch của Việt Nam với khách trong nước và quốc tế, nhưng các công ty du lịch trong nước ít chú ý. Cách đây 5-6 năm, các DN mới bắt đầu chú ý đến du lịch trực tuyến.

“Các công ty du lịch đã đi chậm hơn so với nhu cầu của người sử dụng internet trong nước. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng sẽ là thời điểm tốt nhất để phát triển du lịch trực tuyến. Đã đi sau thì các công ty du lịch nên chú ý cải thiện tốt các sàn giao dịch du lịch trực tuyến tạo sự thuận lợi, hài lòng nhất cho khách thì doanh thu trực tuyến sẽ tiếp tục tăng cao” - ông Bình nói.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đồng Nai, chia sẻ: “Khoảng 2-3 năm trở lại đây, khách đặt tour du lịch qua mạng khá nhiều. Nếu những năm trước khách đặt tour qua mạng chỉ thanh toán trực tuyến số tiền một vài chục triệu đồng thì nay đã nâng lên vài trăm triệu đồng”. Nhiều công ty lữ hành, khách sạn cho hay lượng khách mua trực tuyến đã tăng trưởng cao trong 3-4 năm qua. Thị trường đã xuất hiện những DN du lịch bán hàng 100% qua mạng.

Ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc tiếp thị Trung tâm lữ hành du lịch quốc tế Tugo sở hữu trang website: Tugo.com.vn, nói: “Tất cả các khách hàng của chúng tôi đều đến từ kênh online. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 30% khách hàng chuyển khoản thanh toán, thay vì trả tiền trực tiếp nên chúng tôi đã trang bị thêm dịch vụ thanh toán trực tuyến cho khách”.

Ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh: “Du lịch trực tuyến đang phát triển nhanh trên thế giới và Việt Nam cũng không thể tách khỏi guồng quay này. Các DN du lịch nên bắt lấy cơ hội này xây dựng tốt các tour để giới thiệu, quảng bá cho khách trên website của công ty và nên tham gia các sàn giao dịch trực tuyến du lịch để có thêm khách hàng trong nước và quốc tế”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,099,755       2/937