Kinh tế

Xuất khẩu nông sản sụt giảm

6 tháng đầu năm nay, tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng Nai, như: cà phê, tiêu... giảm sút so cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như hạt điều cũng gặp khó khăn hơn so với mọi năm vì tình trạng mất mùa, giá cả thị trường cũng biến động mạnh.

Sản xuất hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc).
Sản xuất hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc).

Do đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản cũng e dè hơn trong việc trữ hàng và cả nhận đơn hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ việc làm cho công nhân.

Giảm giá trị

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong tháng 6-2017, xuất khẩu cà phê tăng mạnh, đạt kim ngạch trên 42 triệu USD, tăng gần 9% so với tháng 5. Nhưng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt trên 315 triệu USD, giảm 13% so cùng kỳ năm ngoái.

Riêng xuất khẩu hạt điều, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt trên 135 triệu USD, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu mặt hàng này cũng đang gặp khó khăn khi bước vào tháng 6, giá trị xuất khẩu giảm gần 10% so với tháng 5. Doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cũng đang gặp khó khăn cả về đơn hàng và giá điều xuất khẩu cũng giảm mạnh.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tiêu đang đối mặt với nhiều rủi ro, thử thách. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tiêu của cả nước đạt 586 triệu USD, giảm 18,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu thấp khiến giá tiêu trong nước đứng ở mức thấp kỷ lục nhiều tháng nay. Đây cũng là lý do khiến đa số nông dân trữ tiêu khiến thị trường này càng rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Dù Việt Nam đang tồn hàng chục ngàn tấn tiêu vì xuất khẩu giảm, nhưng từ đầu năm đến nay doanh nghiệp vẫn phải tăng sản lượng tiêu nhập khẩu. Nguyên nhân nhập khẩu của doanh nghiệp tăng vì có những đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và các thị trường khó tính. Trong khi tiêu Việt Nam vẫn chưa đáp ứng về chất lượng. Mặt khác, giá tiêu nhiều nước trên thế giới cũng tương đương hoặc không cao hơn nhiều so với tiêu trong nước”.

Đồng quan điểm với ông Lâm, một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng sản lượng tiêu trong nước còn tồn quá lớn. Cả nông dân và doanh nghiệp đang chọn cách trữ mặt hàng này phải đối mặt với rất nhiều rủi ro vì thị trường cung đang vượt cầu. 

Doanh nghiệp gặp khó

Bà Phạm Thị Bích Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất thực phẩm Sơn Lâm (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết khiến năng suất cà phê giảm mạnh, chất lượng cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì giá nhân cà phê biến động rất mạnh”. Xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn mạnh ai nấy làm, chưa xây dựng được thương hiệu nên doanh nghiệp thường rơi vào cảnh bị ép giá khi tham gia thị trường xuất khẩu. Đây cũng là nguyên nhân khiến Sơn Lâm chọn hướng tập trung tìm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng cà phê chế biến sâu.

So với các mặt hàng nông sản khác, thị trường xuất khẩu hạt điều khá tốt vì tuy giảm về sản lượng nhưng giá trị vẫn tăng ở mức khá, tuy nhiên doanh nghiệp chế biến lại gặp không ít khó khăn. Bà Trần Thị Diệu Cương, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc), lo lắng: “2 tháng trở lại đây, giá điều nhân xuất khẩu giảm mạnh kéo rớt giá điều nhân nội địa. Đây là giai đoạn thấp điểm sản xuất trong năm, nhưng mức giảm năm nay gấp nhiều lần năm trước khiến doanh nghiệp rất lo lắng, nhất là giá điều nguyên liệu năm nay tăng kỷ lục. Doanh nghiệp mua nguyên liệu giá cao, giờ xuất nhân với giá thấp nên càng khó khăn”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,100,255       1/940