Về Đồng Nai, nhiều người hay nhắc đến sầu riêng của Long Thành. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây Đồng Nai có thêm vùng đặc sản sầu riêng Phú An (huyện Tân Phú). Sầu riêng Phú An trái lớn, mùi vị thơm ngon, vào chính vụ thương lái vẫn đến tận vườn mua với giá hơn 40 ngàn đồng/kg.
Vườn sầu riêng của ông Huỳnh Bá Điệp, ấp 4, xã Phú An (huyện Tân Phú). |
Diện tích sầu riêng ở xã Phú An hiện đã lên đến gần 300 hécta. Sầu riêng cho thu nhập cao nhất so với các loại cây trồng khác, trừ chi phí các nhà vườn còn thu lời 400-450 triệu đồng/hécta/năm.
* Cây trồng “hot”
Huyện Tân Phú đang gấp rút hướng dẫn 3 hợp tác xã, gồm: Hợp tác xã sầu riêng Phú An, Hợp tác xã rau Trúc Lâm và Hợp tác xã bưởi Tà Lài làm hồ sơ để được cấp chứng nhận VietGAP, nhãn hàng hóa và từng bước xây dựng thương hiệu nhằm đưa hàng vào chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây. |
Cây sầu riêng bén duyên tại vùng đất Phú An chưa lâu. Hơn 10 năm trước, ngán với cây cà phê năm được năm thất, nhiều nhà vườn đã chuyển đổi qua trồng sầu riêng song chỉ dám trồng thử một ít. Đến khi cây cho quả thấy năng suất cao, chất lượng thơm ngon hơn hẳn nên nhiều nhà vườn mới mạnh dạn trồng chuyên canh với diện tích lớn.
Không phụ lòng người dân Phú An, cây sầu riêng sau 2 năm cho trái năng suất đạt 15-20 tấn/hécta/năm (sầu riêng các vùng khác năng suất chỉ 10-12 tấn/hécta/năm). Giống sầu riêng được nhiều ở Phú An là monthon, cơm vàng hạt lép. Có lẽ cũng nhờ cái nắng, cái gió của vùng cao cùng với dòng nước mát của thượng nguồn sông Đồng Nai đã giúp cho mùi vị sầu riêng nơi đây đậm đà. Những người mê sầu riêng nếu được thưởng thức sầu riêng Phú An sẽ khó quên được hương vị. Vì vậy, thương lái nắm rất rõ thời gian ra trái và thu hoạch của các vườn để đến trước đặt hàng.
Ông Huỳnh Bá Điệp (ấp 4, xã Phú An) kể: “Gia đình tôi có 2 hécta sầu riêng đang cho trái. Đầu mùa thương lái vào vườn mua với giá trên 80 ngàn đồng/kg, hiện đang vào chính vụ giá vẫn còn hơn 40 ngàn đồng/kg. Năm nay, trừ chi phí tôi còn lời hơn 400 triệu đồng/hécta”.
Thời tiết năm 2017 bất thường, nhiều vùng trồng sầu riêng của Đồng Nai, như: Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất thất mùa, năng suất chỉ bằng 30-40% so với mọi năm, nhưng ở vùng Phú An lại được ưu đãi, cây sầu riêng vẫn cho quả lúc lỉu.
“Sầu riêng trồng trên đất Phú An khoảng 4 năm cho trái, từ năm thứ 6 trở đi năng suất có thể đạt đến 15-20 tấn/hécta/năm. Loại cây trồng này chỉ vất vả khoảng 2-3 năm đầu, đến khi có trái công chăm sóc không nhiều. Tuy nhiên, để có năng suất cao các nhà vườn phải đầu tư khoảng 200-250 triệu đồng/hécta/năm” - ông Hoàng Văn Hải, cán bộ nông nghiệp xã Phú An, cho hay.
* Làm sầu riêng sạch
Nhận thấy cây sầu riêng ở Phú An có năng suất cao, số lượng nhiều và chất lượng tốt nên huyện Tân Phú đã vận động các nhà vườn liên kết thành lập hợp tác xã sầu riêng. Hợp tác xã sầu riêng Phú An hiện có 270 hécta, trong đó hơn 200 hécta đang cho trái. Các hội viên trong hợp tác xã đều thống nhất làm theo quy trình sạch để tới đây được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Phạm Thành Bá (ngụ ở ấp 4) cho biết: “Tôi trồng khoảng 5 hécta sầu riêng monthon. Vào vụ thu hoạch trước 2 tuần, thương lái đã vào vườn đặt cọc để mua, nhưng tôi vẫn đăng ký làm sầu riêng sạch để được cấp chứng nhận VietGAP để sau này có thể liên kết với doanh nghiệp có đầu ra ổn định, lâu dài”. Mong muốn của ông Bá cũng là nỗi niềm chung của nhiều nhà vườn sầu riêng Phú An. Ngoài thực hiện theo quy trình sạch, họ còn đang tiến hành xây dựng thương hiệu với hy vọng có thể xuất khẩu. Ông Bá chia sẻ thêm, dù làm nông dân nhưng tôi cũng có tham vọng khi nhắc đến Đồng Nai nhiều người sẽ nghĩ đến đặc sản sầu riêng Phú An và muốn thưởng thức.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Proton (TP.Hồ Chí Minh), đơn vị đang hợp tác khai thác chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây, công ty đã liên kết với Hợp tác xã sầu riêng Phú An hỗ trợ một số thủ tục truy xuất được nguồn gốc để hàng có thể đưa vào bán tại chợ đầu mối. Tới đây, công ty có thể đưa hàng xuất khẩu và tiến đến hình thành tour du lịch tham quan vườn trái cây thưởng thức đặc sản vùng.
Khánh Minh