Kinh tế

Chuẩn bị đưa nông sản sạch vào chợ đầu mối

Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai đang phối hợp với chủ đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây và các huyện, thị xã nhằm hoàn tất các thủ tục để đưa nông sản sạch về chợ tiêu thụ.

Dự kiến ngày 23-5-2017, chợ đầu mối Dầu Giây chính thức đi vào hoạt động.

Sản xuất rau an toàn ở Hợp tác xã Trúc Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) để chuẩn bị đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây.
Sản xuất rau an toàn ở Hợp tác xã Trúc Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) để chuẩn bị đưa vào chợ đầu mối Dầu Giây.

Chợ đầu mối Dầu Giây được xây dựng gần ngã ba Dầu Giây, thuộc địa bàn huyện Thống Nhất. Đây là chợ đầu mối nông sản đầu tiên của tỉnh, do đó các loại nông sản sạch của tỉnh sẽ được ưu tiên đưa vào chợ. Ngoài ra, đây cũng sẽ là chợ tập kết nông sản sạch cho cả vùng.

* Tìm nông sản sạch

Chợ đầu mối Dầu Giây giai đoạn 1 đầu tư khu bán rau củ quả, trái cây tươi với diện tích 2 hécta, tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng, đã cơ bản hoàn thành. Trong giai đoạn 1 có 216 điểm kinh doanh đã được các tiểu thương thuê mua hết. Hiện tỉnh đã phê duyệt cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với tổng diện tích 50 hécta ở ngay bên cạnh, sẽ có thêm khu bán thực phẩm tươi sống, gồm: thịt, hải sản. Vốn đầu tư giai đoạn 2 gần 1 ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành chợ sẽ có trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận hàng hóa, khu chiếu xạ.

Đồng Nai hiện có nhiều trang trại, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất theo quy trình an toàn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn. Theo quy định, nông sản vào chợ đầu mối phải là nông sản sạch, truy xuất được nguồn gốc để người tiêu dùng khi cần có thể biết được đầy đủ thông tin về sản phẩm mình mua. Vì thế, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai đã cùng với chủ đầu tư chợ là Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (thuộc Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa), Công ty TNHH một thành viên Proton (liên kết cùng khai thác chợ) đã tổ chức khảo sát thực tế tại các trang trại, HTX, tổ hợp tác xem nông dân đang vướng ở những khâu nào trong thủ tục, chứng nhận an toàn để hỗ trợ.

Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, cho hay: “Vừa qua, chúng tôi đã đi làm việc với các huyện, thị để xem các HTX, trang trại, tổ hợp tác để hỗ trợ họ các thủ tục chứng nhận an toàn cho từng loại sản phẩm để có thể đưa vào chợ đầu mối. Hầu hết các HTX, trang trại đều đã sản xuất theo quy trình an toàn nên chỉ cần khoảng thời gian ngắn hướng dẫn cách ghi đầy đủ các thông tin và cập nhật lại là đảm bảo nguồn hàng sạch đưa vào chợ”. Qua khảo sát, nhiều HTX đều khẳng định những quy trình để được chứng nhận an toàn không khó, thực tế lâu nay họ đều đã làm. Hiện tại, chỉ cần tổng hợp lại, ghi chép đầy đủ và đưa mẫu đất, nước, nông sản đi phân tích là hoàn tất.

“Những HTX, trang trại có mẫu đất, nước, sản phẩm đi xét nghiệm an toàn, công ty sẽ hỗ trợ làm bộ nhận dạng thương hiệu, logo, danh thiếp, website, mã vạch để đưa sản phẩm về chợ đầu mối. Các thông tin về sản phẩm từ khâu chọn giống, chăm sóc và nơi sản xuất đều cập nhật đầy đủ nên người tiêu dùng khi muốn biết nguồn gốc có thể dùng điện thoại chụp lại mã vạch là truy xuất được nguồn gốc” - ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Proton, nói.

* Không muốn bán trôi nổi

Đồng Nai là tỉnh có sản lượng trái cây, rau, nấm và nhiều nông sản khác khá lớn ở khu vực phía Nam. Song hầu hết nông sản đều bán trôi nổi, đầu ra bấp bênh nên nhiều nhà vườn mong có đầu ra ổn định để chỉ chuyên tâm vào sản xuất.

Ông Lê Công Thành, Giám đốc HTX Trúc Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú), chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn rau sạch các loại. Rau của HTX nhiều năm nay sản xuất theo quy trình sạch và có đầy đủ chứng nhận nhưng vẫn phải bán trôi nổi. HTX đang liên kết để tới đây đưa rau sạch vào chợ đầu mối có đầu ra ổn định”. Cũng theo ông Thành, nếu có đầu ra ổn định, HTX có thể mở rộng diện tích, nâng sản lượng cung ứng lên hơn 10 tấn rau ăn lá/ngày.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai, cho biết: “Những HTX, trang trại, tổ hợp tác, câu lạc bộ có nhu cầu đưa nông sản vào chợ đầu mối Dầu Giây có thể liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư hoặc trung tâm để được hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục để ngày 23-5 tới có thể đưa sản phẩm về chợ bán”. Về lâu dài, nông sản sạch của Đồng Nai không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Theo ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Marketing Công ty TNHH một thành viên Proton, công ty không chỉ dừng lại ở việc liên kết với chủ đầu tư khai thác hết công năng của chợ đầu mối với thị trường trong nước mà còn dự tính xuất khẩu sang nhiều nước. Công ty đã có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cho một số chợ đầu mối trong nước hoạt động hiệu quả và đưa được không ít đơn vị xuất khẩu nông sản nên đã có sẵn khách hàng và thị trường. Thời gian tới, công ty sẽ hỗ trợ các trang trại, HTX sản xuất theo nhu cầu của thị trường để sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,115,565       33/999