Kinh tế

Sẽ gia hạn nợ cho người chăn nuôi?

Giá thịt heo hạ kỷ lục trong thời gian dài khiến người chăn nuôi trong tỉnh thua lỗ lớn. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua cửa ải khó khăn này, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ và cho vay mới với những trại có nhu cầu.

Một trang trại heo thịt lớn ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang thua lỗ thê thảm.
Một trang trại heo thịt lớn ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đang thua lỗ thê thảm.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đây là đợt giá heo hơi giảm sâu nhất từ trước đến nay. Thời gian giảm giá kéo dài hơn 5 tháng, trong đó khoảng 3 tháng gần đây hạ xuống mức còn 15-16 ngàn đồng/kg với heo từ 120kg/con trở lên và 27-28 ngàn đồng/kg heo dưới 120kg/con. Cứ 1 con heo thịt bán ra, người chăn nuôi chịu thua lỗ hơn 1 triệu đồng. Do đó, những trang trại có tổng đàn lớn đã mất tiền tỷ.

* Lo bị siết nợ

Giá heo hơi lao dốc, chạm đáy khiến những trang trại càng nuôi lớn càng lỗ nhiều. Trước đây, để đầu tư cho trang trại, tăng đàn, số đông người chăn nuôi phải vay vốn từ các ngân hàng. Người nuôi heo lỗ liên tiếp trong nhiều tháng khiến người chăn nuôi trắng tay, có những người không chịu được buộc phải bán trại để giảm nợ. Những hộ chăn nuôi heo muốn trụ lại ngoài lo vốn đến thời điểm thanh toán, còn phải tìm tiếp nơi vay mới để duy trì đàn.

Ông Võ Hữu Thời, chủ trang trại heo ở xã Lộc An (huyện Long Thành), bày tỏ: “Tôi nuôi heo hơn 30 năm nay, chưa khi nào gặp cảnh thê thảm như vậy. Khoảng 5 tháng nay, trung bình mỗi tháng tôi lỗ khoảng 250 triệu đồng. Để có thể duy trì đàn và thanh toán vốn vay, tôi phải bán 1 hécta đất nhưng cũng chỉ đủ cầm cự được thời gian ngắn. Vì vậy, tôi rất mong ngân hàng sớm có chính sách hỗ trợ vốn vay, gia hạn nợ đề người chăn nuôi vượt qua đợt khó khăn”. Mong muốn của ông Thời cũng là ý chung của những trang trại nuôi heo trên địa bàn đang vay vốn từ các ngân hàng.

Với giá heo chạm đáy như hiện tại thì cứ 1 ngày người chăn nuôi Đồng Nai xuất chuồng từ 6-7 ngàn con heo thịt sẽ lỗ 6-7 tỷ đồng. Mỗi tháng người chăn nuôi Đồng Nai bị thiệt hại gần 200 tỷ đồng do giá hạ quá sâu.

“Hiệp hội đang tổng hợp những hộ chăn nuôi heo vay vốn từ ngân hàng và những khó khăn của họ để có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để duy trì chăn nuôi” - ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói. Bên cạnh đó, tới đây hiệp hội cũng sẽ đề xuất Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai chương trình giãn nợ, khoanh nợ, cho nông dân vay mới ở tất cả các ngân hàng chứ không riêng hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần trực thuộc nhà nước.

* Chờ gỡ khó về vốn

Mới đây, trong cuộc họp bàn về giải pháp gỡ khó cho người chăn nuôi heo để tiếp tục duy trì đàn qua đợt khủng hoảng giá, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu các ngân hàng rà soát lại nợ của những hộ chăn nuôi, nếu đến thời điểm trả nợ mà chưa có đủ khả năng có thể giãn nợ. Trường hợp người chăn nuôi có nhu cầu vay thêm vốn mới để đầu tư thì phía ngân hàng khoanh nợ và cho vay tiếp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Ngân hàng đang đợi tổng hợp số doanh nghiệp, hộ chăn nuôi heo vay vốn ngân hàng gặp khó khăn, mức độ thiệt hại và những đề xuất về hỗ trợ vốn vay, lãi suất... để làm văn bản trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chỉ đạo cụ thể về vấn đề này với các hệ thống ngân hàng”. Do đó theo ông Tuấn, phía các doanh nghiệp, người chăn nuôi heo nên sớm có tổng hợp cụ thể mức độ thiệt hại về giá trong thời gian qua cùng với yêu cầu hỗ trợ lãi suất hoặc gia hạn nợ, khoanh nợ gửi ngân hàng.

Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai, cho hay: “Hiện ngân hàng chưa nhận được yêu cầu nào của khách hàng vay đầu tư cho chăn nuôi heo đề nghị cho gia hạn nợ hay khoanh nợ hoặc giảm lãi suất. Vietcombank cũng đang đợi Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo cụ thể vấn đề này để thực hiện khi người vay có nhu cầu”.

Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng cho hay, lĩnh vực chăn nuôi heo cho vay khá lớn nên đang đợi chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước để thực hiện. Theo ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai, mặc dù chưa có chỉ đạo cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước, song những hộ vay đầu tư chăn nuôi heo đến thời điểm trả nợ gặp khó khăn đều được Agribank cơ cấu lại kỳ hạn nợ đến khi trả được. “Với những hộ đã vay vốn từ Agribank đầu tư cho chăn nuôi heo, nếu muốn vay thêm vốn chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện sẽ được vay” - ông Trinh nói.

Hiện nay, giá heo hơi trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi dù Trung ương, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp “cứu heo”. Nếu không có những chính sách hỗ trợ vốn vay kịp thời nhiều trại chăn nuôi heo khó vượt qua được “sóng lớn” lần này và có thể đàn heo của tỉnh sẽ giảm sâu. Như vậy, sau khủng hoảng thừa sẽ có thể xảy ra khủng hoảng thiếu.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,373,013       51/1,082