Kinh tế

Lãi suất vay chưa tăng ngay

Gần đây, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn khiến các doanh nghiệp (DN) lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng cao. Trong bối cảnh sản xuất, tiêu thụ hàng ở nội địa, xuất khẩu đang gặp khó khăn nếu lãi suất vốn vay tăng sẽ thêm gánh nặng với DN.

Nguồn vốn cho vay của Vietcombank chi nhánh Đồng Nai khá dồi dào nên chưa tăng lãi suất.
Nguồn vốn cho vay của Vietcombank chi nhánh Đồng Nai khá dồi dào nên chưa tăng lãi suất.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, dư nợ cho vay vốn đến cuối tháng 4-2017 là hơn 143 ngàn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2016. Vốn cho vay tăng ở cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Hiện một số ngân hàng nhỏ đã có động thái tăng lãi suất cho vay thêm gần 1%/năm, còn những ngân hàng lớn chưa có điều chỉnh lãi suất trong cả huy động vốn và cho vay.

* Ngân hàng lớn vẫn giữ nguyên

Đến cuối tháng 4-2017, các ngân hàng lớn, như: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn giữ nguyên lãi suất huy động và cho vay ở hầu hết các kỳ hạn.

Theo đại diện của các hệ thống ngân hàng trên, có khả năng lãi suất cho vay, huy động vẫn tiếp tục ổn định trong tháng 4 và 5.

Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đồng Nai, cho hay: “Huy động vốn vay của ngân hàng trong gần 4 tháng đầu năm tăng 2%, cho vay tăng 7%. Do tính thanh khoản tốt nên ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất huy động và cho vay. Tuy các ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất huy động, cho vay nhưng hệ thống Vietcombank có thể vẫn chưa thay đổi trong 1-2 tháng tới”.

Vào đầu năm 2017, nhu cầu vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng nên các ngân hàng nhỏ đều tăng lãi suất huy động nhằm thu hút lượng tiền gửi lớn, đáp ứng nhu cầu vay vốn.

“Nguồn tiền gửi, cho vay của ngân hàng trong những tháng đầu năm đều tăng so với cuối năm 2016. Theo tôi, mức lãi suất huy động, cho vay của Vietinbank đang khá phù hợp và tăng trưởng tốt cả ở chiều huy động và cho vay nên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ nguyên, không tăng lãi suất trong một vài tháng tới” - bà Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Nai, cho hay.

Đồng Nai hiện có gần 20 ngàn DN đang hoạt động, trong đó đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Trong quá trình hoạt động, số đông các DN phải vay vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, vì thế điều mong muốn nhất là vốn vay lãi suất ổn định, không tăng.

* Chỉ cần tăng 1% đã khó khăn

Theo các DN thì tình hình sản xuất trong quý I và đầu quý II-2017 tương đối khó khăn. Thị trường trong nước chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN tràn vào. Thị trường xuất khẩu lại đối mặt với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia...

Nhiều DN trên lĩnh vực gỗ, may mặc, công nghiệp hỗ trợ... phải thu hẹp sản xuất, giảm đơn hàng vì nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy giá thành sản phẩm lên song giá bán hàng lại không tăng.

Ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại Á Thành (TP.Biên Hòa), Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ Đồng Nai, chia sẻ: “Tôi có vay vốn gần 10 tỷ đồng từ một ngân hàng nhỏ và mới đây ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất vay ngắn hạn tăng khoảng 0,5%/năm. Với những DN nhỏ thì lãi suất vay chỉ cần tăng từ 1%/năm trở lên là ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”.

Cũng theo ông Minh, chi hội có vài chục DN nhưng đều là DN nhỏ, tài sản thế chấp không nhiều nên ít tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, nhiều DN nhỏ chấp nhận vay với lãi suất cao từ các ngân hàng nhỏ còn là do thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh, khi có nhu cầu vay chỉ trong 2-3 ngày có thể nhận được tiền.

Hiện tại, lãi suất cho vay VNĐ tại Đồng Nai đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-7%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ  6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực ASEAN. Ví dụ, ở Thái Lan vốn cho vay DN khoảng 4-5%/năm, nhưng với những lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng 2%/năm, trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan lại giống với Việt Nam.

Như vậy, chỉ tính riêng về lãi suất vốn vay đầu tư cho sản xuất DN Việt đã thua vì tất cả đều được cộng vào giá thành sản phẩm. Năng suất lao động của Việt Nam thấp, bảo hiểm xã hội lại cao hơn những nước trong khu vực cũng góp phần đẩy chi phí tăng cao. Do đó, mong muốn lớn nhất của DN là Chính phủ có những điều hành phù hợp để lãi suất cho vay trong năm 2017 ổn định, ít biến động.

Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc BIDV chi nhánh Biên Hòa, nói: “Từ đầu năm đến nay, BIDV vẫn giữ nguyên lãi suất cho vay ở các kỳ hạn và cũng không tăng lãi suất huy động. Nguồn vốn cho vay của BIDV khá dồi dào nên có thể trong quý II-2017 cũng sẽ không có thay đổi”. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn cũng không dám khẳng định trong 6 tháng cuối năm 2017 lãi suất cho vay có giữ nguyên hay sẽ tăng.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,635       27/879