Kinh tế

Bàn giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi

(ĐN) – Như tin đã đưa, chiều 27-4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh và các doanh nghiệp để bàn giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi.

TIN LIÊN QUAN
(ĐN) – Như tin đã đưa, chiều 27-4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp -phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn đã tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh và các doanh nghiệp để bàn giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi.  

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai

Theo báo cáo, hiện tổng đàn heo của Đồng Nai còn khoảng 1,7 triệu con, giảm hơn 16 % so với hồi đầu năm 2017. Tuy nhiên, cán cân cung – cầu của thị trường chăn nuôi vẫn mất cân đối, khiến giá heo hơi luôn đứng ở mức thấp.

Điều bất hợp lý của thị trường hiện nay là giá heo tại trại rất thấp, trong khi giá bán lẻ đến người tiêu dùng cao hơn gấp nhiều lần. Để giải quyết những bất cập trong khâu phân phối, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị tỉnh nên trích nguồn quỹ bình ổn giá mua heo từ người chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức chuỗi cửa hàng bán lẻ thịt heo tại các khu công  nghiệp, khu đông dân cư với giá rẻ hơn từ 40 – 50% so với giá thị trường nhằm tạo sự kích cầu về tiêu thụ.

Ngoài ra, phần lớn các ý kiến của đại diện doanh nghiệp và người chăn nuôi còn tập trung vào các giải pháp, như: chuyển hướng chăn nuôi từ số lượng sang chất lượng; thực hiện ngay việc giảm tổng đàn nái (giảm đàn từ những lứa heo sữa); giảm giá thức ăn chăn nuôi; tổ chức cấp đông hoặc tăng cường chế biến để giảm áp lực thừa; có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, Đồng Nai đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đây là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề đầu ra. Trong đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, an toàn. Doanh nghiệp của Đồng Nai đang triển khai việc xuất khẩu gà vào Nhật Bản và đây sẽ là tiền đề để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Người nuôi heo có nguy cơ phá sản vì giá heo liên tục giảm sâu vào mùa cao điểm tiêu thụ. Trong ảnh: Một trại chăn nuôi ở huyện Thống Nhất.
Người nuôi heo có nguy cơ phá sản vì giá heo liên tục giảm sâu vào mùa cao điểm tiêu thụ. Trong ảnh: Một trại chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (ảnh: TL).

Tỉnh nhất trí với đề xuất của Hiệp hội chăn nuôi trong việc tổ chức các điểm bán thịt heo giá rẻ vào các khu công nghiệp, vừa cải thiện điều kiện sống cho công nhân, đồng thời giúp người chăn nuôi bán heo với giá tốt hơn. UBND tỉnh cũng sẽ có văn bản gởi ngân hàng có giải pháp giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi và thậm chí tiếp tục cho vay thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, hiện Bộ đang tập trung thực hiện một số giải pháp để gỡ khó cho ngành chăn nuôi. Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất là tăng cường tiêu thụ heo bằng nhiều cách. Trong đó, Đồng Nai nên làm việc với TP. Hồ Chí Minh để giải quyết vướng mắc trong thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và kết nối thị trường.

Nhóm giải pháp thứ hai là giảm giá bán lẻ thịt heo, trong đó hiện đã có 6 doanh nghiệp FDI trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm giá. Thứ trưởng đề nghị Đồng Nai nên làm việc với các doanh nghiệp khác trong ngành để vận động họ giảm giá.

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền để ổn định tình hình, vì thực tế thị trường dư “cung” nhưng có yếu tố tâm lý bị tác động. Công tác thông tin, tuyên truyền cần chính xác, đầy đủ trên tinh thần hỗ trợ người chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn cũng đề xuất giải pháp dừng nhập, tái xuất đối với sản phẩm chăn nuôi và làm việc với phía Trung Quốc về việc xuất khẩu heo theo đường chính ngạch vào thị trường này.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,124,684       16/853