Kinh tế

Ngàn hécta cho cánh đồng lớn ca cao

Đồng Nai hiện còn 39 ngàn hécta điều, giảm hơn 11 ngàn hécta so với vài năm trước, và nông dân vẫn tiếp tục chặt bỏ cây trồng này vì lợi nhuận kém. Để nông dân không chạy theo vòng luẩn quẩn "chặt trồng, trồng chặt", Đồng Nai đã triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn trồng xen canh ca cao trong vườn điều...

Đồng Nai hiện còn 39 ngàn hécta điều, giảm hơn 11 ngàn hécta so với vài năm trước, và nông dân vẫn tiếp tục chặt bỏ cây trồng này vì lợi nhuận kém. Để nông dân không chạy theo vòng luẩn quẩn “chặt trồng, trồng chặt”, Đồng Nai đã triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn trồng xen canh ca cao trong vườn điều với quy mô cả ngàn hécta tại huyện Trảng Bom.

Gia đình ông Lưu Quang Dự (xã An Viễn, huyện Trảng Bom) rất phấn khởi vì vườn ca cao mới trồng hơn 2 năm đã sai trái.
Gia đình ông Lưu Quang Dự (xã An Viễn, huyện Trảng Bom) rất phấn khởi vì vườn ca cao mới trồng hơn 2 năm đã sai trái.

Toàn tỉnh hiện có 100 hécta cây ca cao trồng xen canh trong vườn điều đã cho thu hoạch. Năm nay, cây điều mất mùa nặng nhưng những vườn điều có trồng xen cây ca cao vẫn đạt lợi nhuận tốt. Dự án này đang thu hút khá đông nông dân đăng ký tham gia vì nông dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ tốt mà doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn. 

* Tăng lợi nhuận, giảm rủi ro

Ông Nguyễn Thanh Lập, Tổ trưởng Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa (huyện Trảng Bom), cho biết tổ hợp tác hiện có 39 hécta vườn điều trồng xen ca cao đang cho thu hoạch. Năm nay, dù mất mùa điều nhưng các tổ viên của hợp tác xã vẫn an tâm vì cây ca cao cho lợi nhuận tốt. Ông Lập so sánh: “Từ năm thứ 5 trở đi, 1 hécta ca cao xen canh trong vườn điều cho thu hoạch ít nhất là 10 tấn trái tươi/năm. Với giá bán 6.300 đồng/kg như hiện nay, nông dân đã thu về 63 triệu đồng. Nhưng đa số các tổ viên trong tổ hợp tác đều đạt năng suất từ 20 tấn/hécta trở lên nên lợi nhuận rất khả quan”.

Cây ca cao lại cho thu hoạch đều đều hàng tháng nên đợt này mất mùa thì tháng sau bù lại. Theo  nhiều nông dân, đây là mô hình xen canh rất lợi thế cho nông dân trồng điều trước tình trạng thời tiết thất thường như hiện nay. Ông Lưu Quang Dự, nông dân đi đầu trồng xen ca cao trong vườn điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Tìm hiểu thấy trồng xen canh ca cao tăng lợi nhuận rất nhiều so với trồng chuyên canh cây điều, tôi có trồng thử nghiệm vài sào. Những cây ca cao ra quả mùa quả đầu nhưng đã khá sai trái dù chỉ mới trồng được 2 năm 1 tháng. Gia đình tôi rất phấn khởi vì cây ca cao phát triển dù chưa mạnh tay đầu tư phân bón, nước tưới. Khi địa phương triển khai dự án cánh đồng lớn xen canh cây ca cao trong vườn điều, tôi tích cực tham gia vì muốn nhân rộng mô hình này ra khắp vườn”.

Không chỉ ở Trảng Bom mà nông dân ở nhiều địa phương khác cũng đã thành công trồng xen cây ca cao trong vườn điều. Ông Nguyễn Qúy Tân, Giám đốc Hợp tác xã ca cao - điều Định Quán (huyện Định Quán), cho hay: “Năm nay mất mùa điều nhưng các xã viên vẫn đạt lợi nhuận hàng chục triệu đồng nhờ trồng xen canh cây ca cao. Lợi nhuận của vườn cây xen canh này cũng thu hút đông người dân quan tâm”. Hiện toàn huyện Định Quán đã phát triển được trên 80 hécta ca cao xen canh cây điều. Từ năm 2014, hợp tác xã đã đăng ký tham gia dự án cánh đồng lớn cho cây ca cao để nông dân được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Đầu ra của sản phẩm cũng được đảm bảo vì đã ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

* Nhiều ưu đãi

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: “Với quy mô cả ngàn hécta, dự án cánh đồng lớn ca cao xen canh cây điều có diện tích và quy mô lớn nhất trong các dự án cánh đồng lớn của Đồng Nai. Dự án được triển khai nhanh vì tỉnh, huyện và cả doanh nghiệp chủ đầu tư dự án đều đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Tuy vừa khởi động vào cuối năm 2016, nhưng địa phương và doanh nghiệp đã hỗ trợ cho nông dân trồng thử nghiệm xen canh ca cao trong 10 hécta vườn điều. Cây ca cao phát triển tốt là tín hiệu vui của dự án. Dự kiến, trong năm 2017 dự án phát triển thêm 111 hécta trồng xen canh”.

Nói về chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp cho nông dân đăng ký tham gia cánh đồng lớn, bà Lê Thị Minh Tâm, Giám đốc ngành hàng ca cao của Công ty cổ phần Bamboo Capital (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Trong năm đầu, công ty sẽ hỗ trợ 20% tiền giống và phân bón. Những năm sau, nông dân chỉ phải trả trước 50% tiền phân bón, phần còn lại sẽ thanh toán khi thu tiền bán trái ca cao. Công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm và sẽ tổ chức hướng dẫn tận tay về kỹ thuật trồng, chăm sóc ca cao cho nông dân trong suốt quá trình trồng”. Như vậy, chỉ riêng ở dự án cánh đồng mẫu lớn này, nông dân được hỗ trợ đến 50% tiền giống. Trong đó, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 30% chi phí giống và 30% tiền xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm. Huyện Trảng Bom cũng đang đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, hệ thống điện về tận cánh đồng phục vụ sản xuất. 

Lê Quyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,382,111       1/840