Kinh tế

Nông dân hào hứng vào chợ đầu mối

Sáng 28-3, hơn 300 doanh nghiệp, thương lái và đại diện các hợp tác xã, trang trại của Đồng Nai đã tham gia hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ trái cây, rau, củ, quả an toàn vào chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây.

Nông sản Đồng Nai trưng bày tại hội nghị kết nối cung - cầu đưa vào tiêu thụ tại chợ đầu mối Dầu Giây được các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản quan tâm.
Nông sản Đồng Nai trưng bày tại hội nghị kết nối cung - cầu đưa vào tiêu thụ tại chợ đầu mối Dầu Giây được các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản quan tâm.

Hàng chục bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ đã được ký kết giữa các hợp tác xã, trang trại của Đồng Nai với chủ đầu tư chợ, doanh nghiệp, thương lái.

* Cầu nối xuất khẩu nông sản

Đồng Nai có lợi thế là đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, rau củ với sản lượng khá dồi dào nhưng xuất khẩu còn hạn chế. Tỉnh nên quan tâm, khuyến khích nông dân sản xuất an toàn để không chỉ tiêu thụ tốt tại chợ đầu mối Dầu Giây mà đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (chủ đầu tư chợ), đây không chỉ là chợ đầu mối của Đồng Nai mà của cả khu vực miền Nam. Chợ có tổng vốn đầu tư khoảng 1 ngàn tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn. Khi hoàn thành, chợ sẽ được đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản, khu trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm, khu chiếu xạ... không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn là cầu nối đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Marketing Công ty TNHH một thành viên Proton (TP.Hồ Chí Minh), đơn vị hợp tác với chủ đầu tư trong khai thác kinh doanh chợ đầu mối Dầu Giây, cho biết: “Khi đi vào hoạt động, ban quản lý chợ sẽ thành lập văn phòng hướng dẫn, có cán bộ chuyên trách từng ngành hàng. Các cán bộ này đều là những người có hàng chục năm kinh nghiệm, là những chuyên gia tư vấn rất tốt cho nông dân mọi thông tin cả về thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, Proton cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là ở thị trường Nhật Bản nên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn trong sản xuất và là cầu nối trong xuất khẩu”.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu, chế biến nông sản của TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai có mặt tại buổi hội thảo đều đánh giá cao tiềm năng của chợ đầu mối Dầu Giây trong tiêu thụ nông sản an toàn. Ông Bùi Thanh Văn, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Công ty cần thu mua một sản lượng lớn các loại trái cây, rau, củ như: mít, chuối, khoai... làm hàng sấy nên đã đăng ký vài sạp hàng ở chợ đầu mối. Ngoài ra, dòng rau, củ, quả đông lạnh hiện đang được thị trường xuất khẩu rất chuộng. Chúng tôi đang tập trung phát triển dòng hàng này”.

* Chủ động để vào chợ đầu mối

Theo ông Võ Văn Vịnh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Proton, doanh nghiệp là đơn vị có kinh nghiệm đầu tư, quản lý nhiều chợ đầu mối trong cả nước. Chợ đầu mối Dầu Giây đầu tư sau sẽ có nhiều cải tiến, đổi mới với sự sắp xếp hợp lý hơn trong tổ chức ô, vựa, các tuyến xe đưa nông sản ra - vào một cách thông thoáng, tiện lợi; không gặp những vấn đề tồn tại của chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh, như: mặt bằng chật, buôn bán bên lề chợ gây ảnh hưởng đến các sạp chính.

Trước thông tin nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc mới đủ điều kiện vào chợ đầu mối Dầu Giây, nhiều hợp tác xã, chủ trang trại ở Đồng Nai đều bày tỏ sẽ tích cực chuyển đổi sản xuất để không bỏ lỡ cơ hội tìm đầu ra bền vững cho nông sản sạch. Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), nhận xét chợ đầu mối đi vào hoạt động ngay tại huyện Thống Nhất là cơ hội rất lớn trong tiêu thụ các loại rau, quả của địa phương. Gia Kiệm có nhiều vùng chuyên canh rau, củ, quả, hợp tác xã đang kết nối với nông dân, tổ chức các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. “Đặc biệt, với vùng chuyên canh rau cần có diện tích khoảng 40 hécta, chúng tôi đang chuẩn hóa quy trình sản xuất đạt chuẩn an toàn. Mục tiêu trong năm 2017, vùng chuyên canh này sẽ được cấp chứng nhận VietGAP. Chúng tôi quyết tâm để trở thành đơn vị cung cấp rau cần an toàn lớn nhất của tỉnh và khu vực” - ông Long nói.

Cùng chung quan điểm trên, ông Dương Quang Vinh, Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu, cho hay: “Tham gia chuỗi cung ứng vào chợ đầu mối Dầu Giây, mỗi năm huyện có thể cung ứng 1.700 tấn xoài, 1.500 tấn bưởi đường lá cam và da xanh. Huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi theo hướng sản xuất an toàn; hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác xoài, bưởi, rau an toàn làm chứng nhận VietGAP để không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa mà hướng đến xuất khẩu”.

Có 2 mức độ yêu cầu với nông sản đủ tiêu chuẩn vào chợ đầu mối Dầu Giây, gồm: sản phẩm đạt chuẩn an toàn và sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Nai, cho lời khuyên: “Tùy vào điều kiện mà nông dân lựa chọn, nhưng nếu tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ cần nông dân tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn, có sổ ghi chép quá trình sản xuất, sản phẩm kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn. Nếu làm sản phẩm để xuất khẩu thì mới đầu tư làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,132,572       1/826