Với thông điệp "Tắt đèn, bật tương lai", chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ bảy 25-3. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Với thông điệp “Tắt đèn, bật tương lai”, chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ bảy 25-3.
Người dân Đồng Nai hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2016. |
Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
* Không chỉ là khẩu hiệu
Sở Công thương phối hợp với Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai và các đơn vị, tổ chức liên quan đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch này. |
Việt Nam bắt đầu tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2009 tại 6 tỉnh, thành phố lớn. Từ năm 2012, chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên phạm vi toàn quốc. Tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt tổ chức hoạt động hưởng ứng chiến dịch này cho đến nay.
“Thông qua các phương tiện truyền thông, gia đình tôi đã biết và hưởng ứng hoạt động này trong nhiều năm qua. Khoảng 1 tiếng tắt đèn mang lại bầu không khí ấm áp, các thành viên trong gia đình có dịp trò chuyện với nhau bên ánh nến. Từ đó, tôi có thêm những chia sẻ để giáo dục cho các con nhỏ trân trọng những gì đang có, hình thành “phản xạ” tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất trong ngày thường” - cô Lê Thị Minh Tri (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Một số người chưa hiểu về chương trình, cho rằng đây chỉ là một chiến dịch truyền thông mang tính khẩu hiệu, sáo rỗng. Đôi khi, có người còn dè bỉu các nhóm tình nguyện viên là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, bạn Trần Phương Thanh (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa), người từng trực tiếp là tình nguyện viên của chiến dịch Giờ Trái Đất, bày tỏ: “Đằng sau những thông điệp và việc tắt đèn biểu trưng còn có nhiều hoạt động thực tế để tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng hướng về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, như: phân loại rác thải, vận động người đi xe máy tắt máy khi dừng đèn đỏ trên 20 giây, thu gom rác đúng nơi quy định, xây dựng chương trình giáo dục kiến thức bảo vệ môi trường trong học đường... Những hoạt động này tuy nhỏ nhưng đã mang lại hiệu ứng tích cực, được nhiều người ủng hộ. Bản thân mỗi tình nguyện viên cũng học hỏi được nhiều kỹ năng sống khi tham gia chiến dịch này”.
Theo Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, chiến dịch Giờ Trái Đất ngày càng được nhiều người dân quan tâm, hưởng ứng bằng những hành động thiết thực. Lượng điện năng tiết kiệm được cũng tăng dần qua từng năm. Năm 2016, hàng ngàn đơn vị, doanh nghiệp, gia đình tại Đồng Nai đã tham gia Giờ Trái Đất và tiết kiệm được hơn 65 ngàn kWh điện năng tiêu thụ trong thời gian diễn ra sự kiện.
* Truyền thông điệp tiết kiệm năng lượng
Giờ Trái Đất là một sự kiện môi trường toàn cầu do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007 tại Sydney (Australia) với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trên toàn cầu về tác động của biến đổi khí hậu. Chiến dịch kêu gọi mọi người dân và tổ chức tắt đèn, thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ vào tối thứ bảy ngày cuối tháng 3 hàng năm. Đến nay, Giờ Trái Đất đã trở thành chiến dịch lớn mạnh, thu hút hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng tham gia. Đây là năm thứ 9 chiến dịch được tổ chức tại Việt Nam và là năm thứ 2 trong lộ trình 3 năm “Thách thức - vượt qua - thay đổi” hướng đến kỷ niệm 10 năm Giờ Trái Đất tại Việt Nam vào năm 2018. |
Nhiều người dân ở các địa phương vùng xa của tỉnh cho rằng, việc tuyên truyền về chiến dịch nói riêng và vấn đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường nói chung cần được nhân rộng và tiến hành thường xuyên hơn. Từ đó, người dân có nhiều điều kiện hưởng ứng, nâng cao nhận thức về các hoạt động vì thiên nhiên.
“Tôi thấy chiến dịch này rất ý nghĩa nhưng chủ yếu biết đến chiến dịch thông qua tivi, báo đài. Do đó, tôi mong các đơn vị tổ chức cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, không chỉ hưởng ứng các hoạt động Giờ Trái Đất mà xa hơn là những biện pháp sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và bảo vệ những nguồn tài nguyên hữu hạn” - ông Nguyễn Văn Anh (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) nói.
Còn Phan Thị Việt Trinh, sinh viên năm 2 Trường đại học Đồng Nai, nêu ý kiến bên cạnh việc tổ chức diễu hành, cấp tờ rơi về chiến dịch... chương trình nên có thêm nhiều hoạt động mới, như: tổ chức cuộc thi viết bài cảm nhận, triển lãm ảnh của giới trẻ về Giờ Trái Đất… để việc tuyên truyền đến các bạn trẻ ở Đồng Nai trở nên hiệu quả và thiết thực hơn.
“Ngoài lễ phát động và ra quân diễu hành trên các tuyến đường nội ô ở TP.Biên Hòa vào tối 25-3, chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay còn tổ chức treo hơn 700 băng-rôn tại các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh, chiếu các clip tuyên truyền tại các phòng giao dịch khách hàng ở điện lực các địa phương và cấp hơn 5 ngàn tờ rơi về chiến dịch. Công ty còn gửi hơn 700 ngàn tin nhắn đến khách hàng để vận động người dân tắt giảm các thiết bị điện trong thời gian diễn ra sự kiện” - ông Đỗ Xuân Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, cho biết.
Hải Quân