Kinh tế

Nỗ lực giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Phóng viên Báo Đồng Nai có trao đổi với Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên để rõ hơn về việc xếp hạng và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đồng Nai năm 2016.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư. Ảnh: H.GIANG
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư. Ảnh: H.GIANG

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đồng Nai năm 2016 xếp thứ 34/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm trước. Kết quả này thấp hơn mục tiêu tỉnh đề ra là phải nằm trong tốp 30 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Phóng viên Báo Đồng Nai có trao đổi với Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên để rõ hơn về việc xếp hạng và đánh giá PCI của tỉnh.

Thưa ông, năm 2016 PCI của Đồng Nai xếp thứ 34/63 trong các tỉnh, thành, tăng 3 bậc. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã có những giải pháp nào?

- Trong năm trước, các sở, ngành của tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, như: đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để trao đổi, kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn có thể báo về Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Sở Kế hoạch - đầu tư để được hướng dẫn giải quyết nhanh. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ được tỉnh tổng hợp kiến nghị với các bộ, ngành hoặc Chính phủ sớm giải quyết.

PCI tăng 3 bậc nhưng Đồng Nai vẫn chỉ nằm trong tốp khá, kết quả này có thỏa đáng?

- Tôi nghĩ PCI năm 2016 chỉ lấy mẫu điều tra ở 11.600 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó bình quân chỉ gần 200 doanh nghiệp/tỉnh thì khó mà đánh giá đầy đủ, khách quan được môi trường đầu tư của một tỉnh. Cụ thể, như: Đồng Nai có hơn 30 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập và trong số đó gần 20 ngàn doanh nghiệp đang nộp thuế. Môi trường đầu tư của tỉnh thời gian qua liên tục được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước tăng cao, xuất khẩu hàng hóa cũng tăng; thủ tục thuế, hải quan từng bước đơn giản và rút ngắn thời gian... Do đó, việc chỉ lấy phiếu điều tra ở gần 200 doanh nghiệp  thì khó mà đại diện được cho gần 20 ngàn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, PCI là số liệu để Đồng Nai tham khảo, xem xét lại để tiếp tục có cải cách, điều chỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2016, PCI tăng nhưng riêng 4 chỉ tiêu về: tính minh bạch, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý lại giảm điểm so với năm trước. Ông có thể cho biết rõ hơn vì sao 4 chỉ tiêu này lại giảm?

- PCI được đánh giá dựa trên 10 chỉ số do Phòng Thương mại - công nghiệp gửi phiếu hỏi và dữ liệu từ các nguồn đã công bố đến doanh nghiệp ở các tỉnh, thành để đánh giá. Sau đó dựa vào các phiếu điều tra này để tính toán và chuẩn hóa kết quả theo thang điểm 10 cho từng chỉ số và cộng lại. Như tôi đã nói ở trên là do chỉ lấy phiếu câu hỏi ở gần 200 doanh nghiệp để rút ra đánh giá chung về PCI thì chưa thỏa đáng. Cụ thể, năm 2016, công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh được Trung ương đánh giá cao và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính, nhưng trong đánh giá của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam lại giảm điểm là điều khá mâu thuẫn. Bởi trong năm 2016, nhiều thủ tục trong đăng ký thành lập mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai... thời gian giải quyết hồ sơ đều được rút ngắn hơn so với năm 2015. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài. Trên từng lĩnh vực như: thuế, hải quan, tỉnh định kỳ có gặp gỡ doanh nghiệp hướng dẫn các quy định mới, đồng thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc.

Tuy nhiên, ở một số bộ phận vẫn còn những cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi cũng mong với những trường hợp cán bộ, công chức có ý làm khó, vòi vĩnh hay nhũng nhiễu, doanh nghiệp có thể phản ánh trực tiếp về Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai hoặc Sở Kế hoạch - đầu tư, tỉnh sẽ xử lý nghiêm những trường hợp này.

Có mâu thuẫn khi Đồng Nai là một trong 10 tỉnh, thành hấp dẫn đầu tư nhất Việt Nam nhưng chỉ số PCI lại thua xa Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An?

- PCI chỉ là con số để tham khảo, còn khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh, thành nào họ sẽ nghiên cứu rất kỹ về chính sách thu hút đầu tư, giao thông, hạ tầng. Đồng Nai đã ký kết với Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam cùng thực hiện các giải pháp để nâng cao các chỉ số bị đánh giá thấp. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của tỉnh vẫn là những việc làm cụ thể giúp doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào tỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Điều này được thể hiện là năm 2016, Đồng Nai xếp thứ 4 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu trên 15,2 tỷ USD, tăng gần 8% so với năm 2015.

Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,138,455       10/1,163