Ngày 21-3, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã làm việc với các sở, ngành, TP.Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu nhằm tháo gỡ những vướng mắc, để hơn 1 tháng nữa có thể khánh thành tuyến du lịch đường sông.
Sông Đồng Nai được các chuyên gia du lịch đánh giá có tiềm năng rất lớn về du lịch. |
Tuyến du lịch đường sông Đồng Nai bắt đầu từ hạ nguồn sông Đồng Nai, từ cù lao Ba Xê thuộc phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đến bến đò xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) - thượng nguồn sông Đồng Nai.
* Sớm đưa vào khai thác
Du lịch dọc tuyến này có 4 điểm dừng chân để khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ven sông và thưởng thức các đặc sản địa phương. Theo chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo
(TP.Biên Hòa), nếu những vướng mắc kịp thời được tháo gỡ thì đến 30-4-2017, tuyến du lịch đường sông chất lượng cao bằng tàu du lịch sẽ khánh thành và đi vào khai thác. Hiện vướng mắc lớn nhất vẫn là hồ sơ đang lấy ý kiến các sở, ngành về bồi thường thu hồi đất công của Hợp tác xã Long Biên tại cù lao Ba Xê, cấp phép xây dựng các bến tàu tại các điểm dừng chân để khách có thể lên bờ tham quan...
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Cao Tiến Dũng cho hay: “Trên sông Đồng Nai có 3 cù lao rất đẹp có thể phát triển du lịch đường sông, đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư. Vì thế, những khó khăn của chủ đầu tư về hồ sơ, chính sách sẽ được giải quyết xong trong tháng 3 này, để trong tháng 4 tiến hành xây dựng cho kịp 30-4-2017 khánh thành, đưa vào khai thác”.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư đội tàu chất lượng cao và 2 điểm dừng chân, gồm: điểm du lịch sinh thái kết hợp với vui chơi giải trí tại cù lao Ba Xê và bến tàu trạm dừng chân tại Công viên Nguyễn Văn Trị, gần chợ Biên Hòa. Có khoảng 10 chiếc ca nô, sức chứa 25 khách/ca nô hoạt động thường xuyên. Bến tàu và trạm dừng chân Nguyễn Văn Trị rộng gần 2.500m2 gồm: bến tàu, phòng vé, nhà chờ, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm có thể tiếp nhận khoảng 200 khách. Điểm dừng chân thứ 2 là khu vui chơi giải trí cù lao Ba Xê rộng hơn 30 hécta có thể phục vụ 2 ngàn khách/ngày”.
Giai đoạn 2, chủ đầu tư sẽ xây dựng trạm dừng chân phục vụ ăn uống, vui chơi tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) rộng hơn 1 hécta, tại đây có hồ bơi, các trò chơi. Trạm dừng chân bến tàu Hiếu Liêm (tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) ngoài nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, phòng vé, nhà chờ có phòng điều hành dịch vụ du lịch mạo hiểm và tour rừng.
Ông Nguyễn Hoàng Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo, nói: “Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án là 74 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 38 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 36 tỷ đồng. Dự kiến trong đầu quý II-2017 hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và đi vào khai thác; giai đoạn 2 hoàn thành trong quý III-2017. Tuyến du lịch đường sông giải quyết việc làm cho khoảng 350 lao động.
* Mở rộng để phát triển du lịch
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, xu hướng phát triển của Đồng Nai là ưu tiên phát triển dịch vụ, du lịch, còn công nghiệp chỉ thu hút những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động. Vì thế, trong thời gian tới sẽ hạn chế phát triển các khu công nghiệp, tập trung mời gọi doanh nghiệp đầu tư dịch vụ và du lịch. Trong du lịch, Đồng Nai có 2 tiềm năng lớn là du lịch rừng và du lịch đường sông chưa được khai thác đúng tầm. “Tôi đã đi khảo sát và thấy sông Đồng Nai có thể nói là đẹp nhất cả nước, quanh năm nước trong xanh và không bị cạn kiệt. Hai bên bờ sông có rừng và phong cảnh rất đẹp, có thể phát triển du lịch đường sông kết nối với các điểm du lịch sinh thái khác” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường khẳng định; đồng thời chỉ đạo Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch làm đầu mối chính đơn giản thủ tục, tạo mọi thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào du lịch.
Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết: “Du lịch tuyến sông Đồng Nai có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác đúng tầm. Trong năm nay, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt tour du lịch đường sông trên, sau đó tiếp tục mời gọi đầu tư các tuyến khác dọc theo sông Đồng Nai”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, bên cạnh việc hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng, doanh nghiệp cần chú ý kết nối để đưa những đặc sản của tỉnh vào các điểm dừng chân để khách có thể thưởng thức và mua về. Hiện đặc sản địa phương của Đồng Nai cũng như sản phẩm du lịch không thiếu nên các sở, ngành, địa phương liên quan cũng phải hỗ trợ trong việc chọn ra đặc sản, sản phẩm du lịch tiêu biểu đưa vào các điểm dừng chân. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải liên kết với các đơn vị vận tải để có xe đưa đón khách tại trạm dừng chân tham quan các điểm du lịch xung quanh.
Hương Giang