Theo đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, từ ngày 1-3, heo muốn vào được thị trường TP.Hồ Chí Minh phải thực hiện việc đeo vòng xác nhận để có thể truy xuất được nguồn gốc.
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng |
Hàng chục thương lái của Đồng Nai chuyên cung cấp heo về thị trường vừa qua đã bức xúc vì gặp nhiều khó khăn khi đưa heo về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số các trang trại chăn nuôi hộ gia đình trên địa bàn Đồng Nai chưa thực hiện việc đăng ký truy xuất nguồn gốc heo. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, về vấn đề này.
* Mới chỉ có trang trại lớn tham gia
Thưa ông, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.Hồ Chí Minh đã được triển khai ở Đồng Nai từ thời điểm nào và vì sao đến nay nông dân vẫn bối rối?
- Tổng đàn heo của Đồng Nai hiện có khoảng 1,8 triệu con. Trong đó, heo từ 80kg trở lên có khoảng 350-370 ngàn con. Mỗi ngày, có khoảng từ 3.500 -4.500 con heo được kiểm dịch cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Vì Đồng Nai cung cấp khoảng 60% trên tổng sản lượng thịt heo về TP.Hồ Chí Minh nên địa bàn này được quan tâm hàng đầu khi đề án được triển khai. Chính vì vậy, từ tháng 6-2016, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh đã liên hệ với Đồng Nai bàn về đề án này. Sở Công thương và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã cử cán bộ đi tập huấn để về tổ chức triển khai đến người chăn nuôi. Chúng tôi cũng phối hợp ngay với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai triển khai đến các trang trại chăn nuôi để họ đăng ký tham gia.
Trên cơ sở đăng ký của các trang trại, tháng 11-2016, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Sở Công thương Đồng Nai đã đưa các chuyên gia triển khai tập huấn cho trang trại, thương lái, thú y. Tuy nhiên, chỉ một số trang trại lớn nuôi gia công cho các công ty biết được sự cần thiết của đề án mới quan tâm đăng ký tham gia.
Hiện có bao nhiêu phần trăm người chăn nuôi Đồng Nai tham gia chương trình này?
- Tính đến ngày 8-3, toàn tỉnh có 325 trang trại với từ 1.000 - 1.500 con heo đã tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.Hồ Chí Minh. Số trang trại trên chủ yếu là các trang trại lớn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đa số các trại chăn nuôi hộ gia đình đều chưa tham gia chương trình.
Theo thương lái và người chăn nuôi Đồng Nai, đây là chương trình mới và khó nên mong muốn có thêm thời gian để tìm hiểu và thực hiện, ông có ý kiến gì về kiến nghị trên của người chăn nuôi?
- Việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo là chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, của TP.Hồ Chí Minh nên muốn vào thị trường lớn này, người chăn nuôi phải thực hiện theo yêu cầu của đề án, không có cách nào khác và cũng không thể có thêm nhiều thời gian vì phía TP.Hồ Chí Minh thực hiện rất nghiêm, họ sẵn sàng từ chối nếu heo các tỉnh không đạt chuẩn.
Theo vào đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là chương trình lớn của Chính phủ. Cả thương lái và người chăn nuôi không nên làm theo kiểu ứng phó mà phải thật sự thay đổi về nhận thức và nghiêm túc thực hiện. Người tiêu dùng hiện rất quan tâm đến thực phẩm an toàn, nếu người chăn nuôi không chủ động sản xuất sạch, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc thì sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường vì dần dần sản phẩm không nguồn gốc, thiếu an toàn sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.
* Vướng đâu, gỡ đó
Về những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc heo, đề án có chương trình hỗ trợ ra sao, thưa ông?
- Ngay sau khi Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có văn bản kiến nghị về những khó khăn của thương lái và người chăn nuôi, Sở Công thương Đồng Nai đã phối hợp cùng hiệp hội tiếp tục lập danh sách các hộ đăng ký tham gia đề án để được tập huấn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc heo. Khi có danh sách, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai sẽ phối hợp với TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi. Những lớp tập huấn này sẽ được tổ chức về tận địa phương theo kiểu cầm tay chỉ việc hướng dẫn đến từng hộ chăn nuôi.
Ông có ý kiến gì trước những khó khăn khiến người chăn nuôi e ngại tham gia đề án, như: chi phí đăng ký truy xuất nguồn gốc heo còn cao, thủ tục còn rườm rà?
- Chúng tôi đã liên hệ với Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh để tổ chức hội nghị gặp gỡ với thương lái, người chăn nuôi vào ngày 17-3 tới để giải đáp và tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc. Về góc độ địa phương, chúng tôi luôn đồng hành với người chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện, vướng ở đâu, chúng tôi sẽ tháo gỡ ở đó.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)