Vốn là huyện chiến khu còn nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay huyện Vĩnh Cửu đã có 9/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Tân Bình đứng đầu tốp xã đạt thu nhập “khủng” nhờ phát triển vùng chuyên canh đặc sản bưởi Tân Triều. |
Riêng 2 xã Mã Đà, Vĩnh Tân còn vướng một số tiêu chí đang nỗ lực hoàn thành để về đích sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2017.
Xuất phát điểm là huyện chiến khu nghèo nhưng đến nay Vĩnh Cửu có nhiều xã thu nhập bình quân đầu người đạt tốp đầu của tỉnh.
* Nhiều xã đạt thu nhập “khủng”
Tại cuộc họp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Cửu vào ngày 9-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu địa phương cần tập trung mọi nguồn lực để đạt mục tiêu là huyện nông thôn mới trong năm 2017, trong đó cần chú trọng thực hiện các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự và thu nhập của người dân. Tiêu chí nào chưa đạt cần rà soát, đánh giá lại; chỗ nào vướng thì phối hợp với các sở, ngành để tháo gỡ ngay. |
Tân Bình là một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn xã nông thôn mới của huyện Vĩnh Cửu vào năm 2013. Ông Lê Văn Thanh, Phó văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Cửu, cho biết xã Tân Bình hiện đang đứng đầu về thu nhập bình quân đầu người của huyện với mức khoảng 62 triệu đồng/người/năm. Các xã Bình Lợi, Thạnh Phú cũng đều đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã như Mã Đà chỉ mới đạt 33,5 triệu đồng/người/năm, chưa đủ chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. “Với mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện, kéo dần khoảng cách về thu nhập giữa các xã giàu và xã còn khó khăn, huyện đang tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các cây lâu năm cho lợi nhuận cao; xây dựng chuỗi liên kết theo mô hình cánh đồng lớn; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến...” - ông Tài cho biết thêm.
Ở các xã đạt nhóm đầu về thu nhập, phong trào thi đua làm giàu, chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn vẫn diễn ra sôi nổi. Ông Phan Tấn Tài, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ Tân Triều (xã Tân Bình), cho hay toàn xã hiện có trên 857 hécta đất nông nghiệp, trong đó hơn 359 hécta trồng bưởi, 282 hécta trồng lúa. Tuy nhiên, xã hiện có hàng chục hécta đất lúa trên địa bàn xã chỉ làm được một vụ do khó khăn về nước tưới. Theo ông Thanh: “Nông dân mong muốn được gỡ khó về quy định bảo vệ đất lúa để chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang cây bưởi có giá trị cao. Huyện Vĩnh Cửu cũng đang triển khai dự án phát triển vùng chuyên canh bưởi tại 3 xã: Tân Bình, Bình Lợi, Tân An”.
Không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nông dân trồng bưởi Tân Bình cũng ngày càng quan tâm đến sản xuất sạch để tiếng thơm đặc sản bưởi Tân Triều ngày càng lan xa. Ông Ngô Văn Sơn, tỷ phú trồng bưởi tại đất cù lao Tân Triều, chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi đã ứng dụng quy trình sản xuất sạch, đăng ký đạt chuẩn VietGAP cho trái bưởi. Nhờ chất lượng bưởi ngon, an toàn nên nhà vườn không thiếu khách hàng về tận nơi đặt mua với giá cao. Sản xuất theo quy trình sạch, vườn bưởi của tôi cây càng lâu năm càng cho năng suất cao. Tôi còn đầu tư làm bưởi hồ lô, bán ra đến hàng triệu đồng/cặp để tăng lợi nhuận cho vườn đặc sản”.
* “Thay áo” cho đất chiến khu
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Lâm Văn Nghĩa nhấn mạnh huyện đang tập trung mọi nguồn lực để Vĩnh Cửu hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2017. Huyện ủy đã làm việc với từng xã, với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, chỉ đạo sát sao trong công tác thực hiện. Riêng với 2 xã chưa đạt là Mã Đà và Vĩnh Tân, huyện cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để rốt ráo hoàn thành những chỉ tiêu còn vướng; xong chỉ tiêu nào sẽ mời các sở, ngành về thẩm định ngay, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc. |
Điều đáng ghi nhận nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo được sức sống mới, tạo sự đổi thay cho các xã nghèo vùng đất Chiến khu Đ, như: Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý từng được mệnh danh là “vùng đất chết” thời chiến tranh.
Làng dân tộc Chơro ở ấp Lý Lịch (xã Phú Lý) thời xưa, bà con chỉ quen với cuộc sống du canh du cư nên chủ yếu sống bằng nghề rừng. Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai và huyện Vĩnh Cửu đều quan tâm chăm lo cho đồng bào xây dựng cuộc sống mới, lập ấp định cư, cấp đất nông nghiệp để đồng bào có cuộc sống ổn định. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, vùng đất chiến khu xưa như được thay áo mới, đường giao thông được đầu tư về tận cánh đồng, có điện thắp sáng và phục vụ cho sản xuất, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ngày nay, xã Phú Lý nổi tiếng với vùng chuyên canh các loại cây có múi, như: bưởi, cam, quýt đường... với danh sách tỷ phú nông dân ngày càng kéo dài.
Vùng đất chiến khu xưa còn có Mã Đà là xã có xuất phát điểm từ những con số 0: không đất, không sổ đỏ, không hộ khẩu, không điện, không nước, không nhà xây kiên cố... Mã Đà cũng là xã có nhiều hộ nghèo nhất huyện. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Mã Đà dần thay da đổi thịt từng ngày. Hiện địa phương đang chạy nước rút hoàn thành những tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã nông thôn mới. Theo bộ tiêu chí mới, xã không chỉ được đầu tư điện, đường, trường, trạm mà nhiều cơ sở vật chất văn hóa, như: hồ bơi, khu vui chơi giải trí, sân thể dục - thể thao cũng đang được quan tâm đầu tư. Huyện Vĩnh Cửu tiếp tục ưu tiên cho xã về nguồn ngân sách trong thực hiện các dự án đầu tư đường giao thông nông thôn, gỡ khó cho địa phương trong việc vận động nguồn xã hội hóa ở những tuyến đường dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Bình Nguyên