Kinh tế

Thiết thực với cuộc sống thường ngày

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề là "Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta" nhằm kêu gọi toàn nhân loại sống thân thiện với môi trường. Bảo vệ môi trường đòi hỏi cả cộng đồng cùng chung tay.

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi toàn nhân loại sống thân thiện với môi trường. Bảo vệ môi trường đòi hỏi cả cộng đồng cùng chung tay.

Vườn rau sạch của ông Đoàn Thanh Lâm (ở ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) được nhiều doanh nghiệp, nhà hàng tại Đồng Nai đặt hàng.
Vườn rau sạch của ông Đoàn Thanh Lâm (ở ấp 4, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) được nhiều doanh nghiệp, nhà hàng tại Đồng Nai đặt hàng.

Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới trong phạm vi cả nước. Hàng năm, Bộ Tài nguyên - môi trường đều phối hợp với các cơ quan liên quan phát động ngày lễ này ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước với các hoạt động, như: tổ chức các chiến dịch làm sạch đẹp môi trường sống, tiêu dùng xanh, sản xuất xanh, bảo vệ rừng, động vật hoang dã...

* Từ những việc nhỏ

Bảo vệ môi trường luôn được Đồng Nai đặt lên hàng đầu. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã triển khai thí điểm việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở 5 phường của TP.Biên Hòa, sau đó được nhân ra toàn tỉnh. Tuy kết quả đạt được chưa cao, song nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nguồn.

“Nếu người dân trong tỉnh cùng tham gia phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ giảm được rất nhiều kinh phí xử lý và diện tích đất chôn lấp. Phân loại rác tại nguồn có thể nói là hành động nhỏ ý nghĩa lớn vì nó góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn” - Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức nói. Lượng phát sinh rác sinh hoạt tại Đồng Nai là hơn 1.600 tấn/ngày, trong đó thu gom xử lý trên 1.500 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt của tỉnh chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, dùng làm phân bón chỉ được gần 20%. Theo bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, rác thải sinh hoạt của Đồng Nai phần lớn còn lẫn lộn cả rác vô cơ lẫn hữu cơ nên rất khó phân loại, tái chế nên xử lý rất tốn kém. Do đó, nhiều năm nay tỉnh đã luôn vận động người dân cùng tham gia phân loại rác tại nguồn để giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 15%.

Ngoài ra, Đồng Nai có nhiều chương trình vận động người dân tham gia để cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường là tiêu dùng xanh. Người dân chọn lựa các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, nước ngọt, sản xuất an toàn, không sử dụng nhiều túi nylon... Những việc làm trên, mọi người đều có thể làm được và nếu tập thành thói quen thì sẽ góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, làm chậm lại các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu.

* Chọn các sản phẩm xanh

Gần 2 năm nay, người tiêu dùng trong tỉnh đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc chọn lựa các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu tốn ít năng lượng. Ông Trần Văn Lợi, Phó giám đốc Công ty TNHH mua sắm Đệ nhất Phan Khang chi nhánh Biên Hòa, cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều khách hàng mua tivi, tủ lạnh, máy lạnh, quạt, máy nóng lạnh... chú ý chọn những dòng sản phẩm tiết kiệm điện. Những dòng sản phẩm tiêu hao ít điện luôn được khách hàng lựa chọn”. Quy định của Bộ Công thương, các sản phẩm điện máy đều phải dán nhãn năng lượng, trong đó phân thành 5 cấp được thể hiện bằng 5 ngôi sao. Sản phẩm càng nhiều sao thì khả năng tiết kiệm điện càng cao.

Ngày Môi trường thế giới được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 5-6 từ năm 1972 nhân hội nghị môi trường thế giới tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển). Từ đó đến nay có hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tham gia vào ngày kỷ niệm này. Các hoạt động hưởng ứng thường được tổ chức trong tuần lễ quanh ngày 5-6 hàng năm. Ngày Môi trường thế giới năm 2016 còn khuyến khích mọi người quan tâm, bảo vệ tất cả các loài động thực vật hoang dã với thông điệp “Dù bạn là ai, bạn sống ở đâu, hãy thể hiện từ lời nói tới hành động rằng chúng ta không khoan nhượng đối với việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã”.

Ông Nguyễn Văn Quyết, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), cho hay: “Tôi mới mua 1 chiếc tivi lớn để xem giải vô địch bóng đá châu Âu sắp diễn ra. Tiêu chí để tôi chọn tivi là  màn hình lớn, độ nét cao, tiết kiệm điện”. Tại trung tâm mua sắm điện máy Chợ Lớn, Phan Khang và các đại lý kinh doanh điện máy trong tỉnh đều có chung nhận xét là người tiêu dùng đang dần ưu tiên chọn các loại sản phẩm tiêu hao ít điện năng. Đây là một trong những hành động góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và góp phần bảo vệ môi trường.

Người tiêu dùng ngày nay cũng đã chú ý chọn những thực phẩm an toàn. Khi phát hiện loại thực phẩm nào bẩn, người tiêu dùng đã quay lưng tẩy chay. Nhưng việc kết nối đưa sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng vẫn còn lỏng lẻo. Hiện chỉ các siêu thị và một số cửa hàng thực phẩm mới truy xuất được nguồn gốc, còn lại hầu hết người dân vẫn mua thực phẩm dựa vào sự quen biết, tin tưởng người bán. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết: “Toàn tỉnh có 28 trang trại heo gà và 622 hộ chăn nuôi heo được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, chỉ những trang trại lớn mới ký được hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận làm chuỗi thực phẩm sạch. Còn các hộ chăn nuôi chỉ một số ít liên kết được, còn lại vẫn bán như các loại heo bình thường khác”. Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi những sản phẩm sạch. Các sản phẩm sạch được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, ít gây hại cho môi trường và trong sản phẩm ít có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Vì vậy, ngoài nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chọn lựa các sản phẩm xanh, cần Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách kết nối thành chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,503,345       22/1,145