Kinh tế

Trái xoài gặp "hạn"

Hiện hàng trăm hécta xoài đối mặt với khô hạn khiến nông dân phải bán xoài non hoặc ngắt bỏ bông xoài để giữ sức cây chống chọi qua đợt hạn hán kỷ lục từ trước đến nay. Xoài ba mùa mưa đang rớt giá thê thảm, bán tại vườn chỉ còn từ 3-4 ngàn đồng/kg nhưng thương lái không mua vì chê xoài nhỏ.

Nông dân trồng xoài ba mùa mưa lao đao vì rơi vào cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại huyện Vĩnh Cửu.
Nông dân trồng xoài ba mùa mưa lao đao vì rơi vào cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại huyện Vĩnh Cửu.

Một nhóm bạn trẻ ở TP.Hồ Chí Minh đã kêu cứu, lên chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội và đã tiêu thụ được hàng tấn xoài cho nông dân huyện Định Quán. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tình thế. Câu chuyện đặt ra ở đây là phải tăng sức cạnh tranh cho xoài nội vì nông dân trồng xoài không bán được hàng, trong khi xoài keo nhập khẩu từ Campuchia đang tràn ngập thị trường, đánh bật trái xoài nội địa ngay trên sân nhà.

* “Giải cứu” xoài Định Quán

Từ lời kêu cứu của nhóm bạn trẻ tại TP.Hồ Chí Minh trước tình trạng xoài rớt giá, thông tin này nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội, được nhiều tờ báo đăng tải gây xôn xao dư luận. Nhóm bạn trẻ này đã tổ chức thu mua tại vườn với giá nông dân không bị lỗ là 10 ngàn đồng/kg xoài. Không chỉ lập điểm tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh, hơn 2 tấn xoài còn được đưa ra Hà Nội tiêu thụ với mong muốn giảm khó khăn cho nông dân.

Sinh viên Lê Thị Ngọc Châu quê ở huyện Định Quán là một trong những thành viên trong nhóm đã gửi lời kêu cứu và tổ chức thu mua xoài của nông dân Định Quán, chia sẻ: “Lời kêu gọi của nhóm tạo được sự ủng hộ rất lớn, đa số là các bạn trẻ đến mua ủng hộ. Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, nhóm đã tiêu thụ được gần 7 tấn xoài cho nông dân”. Trong ngày đầu, nhóm bán được cả tấn xoài, nhưng hiện nay sức mua đang chậm lại nên mọi người rất lo lắng vì e ngại hàng bán không kịp, bị hư hao. Do nhóm ứng tiền trước thu mua xoài cho nông dân, giá bán lẻ là giá thu mua tại vườn cộng chi phí vận chuyển nên không có lợi nhuận. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn đang nỗ lực để tiêu thụ xoài được nhiều nhất cho nông dân.

Hành động này của nhóm bạn trẻ đã tạo được sự cảm kích rất lớn của bà con nông dân. Bà Nguyễn Thị Dưỡng, nông dân trồng xoài tại thị trấn Định Quán, cho biết: “Năm nay, tôi đầu tư làm xoài trái vụ với mong muốn xoài ra trái sớm, bán được giá cao. Nhưng do thời tiết thất thường, ba vụ ra bông xoài đều khô bông, rụng trái non nên đến giờ vườn mới cho thu đợt đầu. Đầu tư cả năm, vườn xoài 1 hécta của tôi cũng chỉ đạt được khoảng 3 tấn trái. Nhưng do khô hạn, trái xoài nhỏ nên thương lái chê không hái. Nhờ nhóm bạn trẻ nói trên về thu mua tôi mới bớt khó khăn”.

Theo bà Dưỡng, vụ thu hoạch năm nay, rất nhiều nông dân thua lỗ nặng vì thời tiết thất thường, khô hạn, chi phí đầu tư cho vườn xoài tăng cao nhưng vẫn mất mùa; xoài lại rơi vào cảnh rớt giá càng khiến nông dân khốn khó. Chỉ riêng vùng này hiện còn tồn hàng chục tấn xoài, trong khi sức thu mua của nhóm bạn trẻ trên có hạn nên nông dân trồng xoài vẫn rất khó khăn tìm nguồn tiêu thụ.

* Sân nhà dành cho xoài ngoại

Theo một số thương lái thu mua xoài tại Đồng Nai, xoài ba mùa mưa đột ngột rớt giá, tồn hàng là do xoài keo của Campuchia đang rộ mùa, giá rẻ nên lượng xoài nhập về tăng đột biến. Giống xoài keo này đang phủ sóng khắp các chợ từ quê ra tỉnh, vào các kênh siêu thị lấn dần chỗ đứng của xoài nội. Bà Tư Hồng, thương lái kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối Tân Biên (TP.Biên Hòa), nhận xét: “Hiện không có giống xoài nào của Việt Nam cạnh tranh được với trái xoài keo nhập khẩu vì xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái giá quá cao; xoài ba mùa mưa có giá rẻ dễ mua thì vị quá chua nên trái xoài ngoại lên ngôi. Cả tháng nay, xoài keo rộ mùa được nhập về ồ ạt, giá giảm chỉ còn một nửa so với tháng trước nên các tiểu thương bán lẻ chỉ chọn xoài keo về bán”.

Ông Đào Văn Thành, Phó giám đốc Hợp tác xã xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), cho rằng: “Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tìm đến đặt vấn đề với hợp tác xã liên kết đầu tư nhà máy chế biến. Vì thế nông dân chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi”.

Hiện Đồng Nai có gần 10 ngàn hécta xoài, trong đó chiếm diện tích lớn nhất vẫn là xoài ba mùa mưa. Tình trạng xoài ba mùa mưa tồn hàng, rớt giá đã trở thành chuyện thường ngày nhiều năm nay. Trong đó, có nguyên nhân không nhỏ là do yếu thế trong cạnh tranh với giống xoài keo nhập khẩu.

Vụ thu hoạch năm nay, Hợp tác xã xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) tuy có ký được hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp nhưng sản lượng xoài tiêu thụ qua kênh này chỉ chiếm một phần nhỏ. Đa số xoài VietGAP vẫn đang được nông dân Phú Lý bán cho thương lái với giá hàng thường, hiện rớt giá chỉ còn 3 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn tin tưởng đây là giống cây trồng xóa đói giảm nghèo và sẽ giúp nông dân có thu nhập tốt nếu được đầu tư phát triển theo hướng bền vững.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,555,037       11/874