Chỉ với những vật dụng đơn giản, bạn có thể khiến trẻ say mê khoa học. Trẻ sẽ không nhớ hết lời giải thích sau mỗi thí nghiệm, song kiến thức khoa học sẽ hình thành theo thời gian.
Bong bóng không cháy
Bạn cần: 2 quả bóng, một cây nến, diêm, nước.
Thí nghiệm: Thổi đầy không khí vào quả bóng thứ nhất và giữ nó ngay phía trên một ngọn nến đang cháy để chứng minh cho trẻ thấy bóng sẽ nổ tung. Đổ nước vào quả bóng thứ hai, lại thắp nến và giữ quả bóng ở phía trên ngọn nến. Trong trường hợp này, bong bóng có thể chịu được sức nóng của lửa.
Giải thích: Nước trong bong bóng hấp thụ nhiệt tỏa ra từ ngọn nến làm nguội vỏ bóng, ban đầu bóng không cháy, để thêm một lúc sẽ nổ tung.
Thủ thuật với bút chì
Bạn cần: Một túi polyethylene (PE), vài cây bút chì, nước.
Thí nghiệm: Đổ nước vào ngang nửa túi. Sử dụng bút chì đâm xuyên qua túi ở những vị trí có chứa nước.
Giải thích: Nếu bạn dùng bút chì đâm qua túi rồi mới đổ nước vào, nước sẽ bị thấm ra ngoài qua các lỗ vừa tạo ra. Nhưng nếu bạn đổ nước vào trước rồi mới đâm xuyên bút chì, nước sẽ không hề bị thấm ra. Đây là kết quả chứng minh khi polyethylene bị chia tách, các phân tử của nó di chuyển gần nhau hơn. Trong trường hợp này, polyethylene thắt chặt xung quanh bút chì.
Bắp cải sắc màu
Bạn cần: 4 ly nước trong, màu thực phẩm, một số lá bắp cải.
Thí nghiệm: Thêm màu thực phẩm vào mỗi ly nước, đặt vào mỗi ly một lá bắp cải, để qua đêm. Sáng hôm sau, lá sẽ đổi màu.
Giải thích: Do thực vật hấp thụ nước, lá bắp cải cũng hấp thụ màu sắc của nước. Đây được gọi là hiện tượng mao dẫn, theo đó nước sẽ đi theo các ống nhỏ nhất của thực vật. Điều này xảy ra với hoa, cỏ, thậm chí cả với cây.
Trứng nổi
Bạn cần: 2 quả trứng, 2 ly nước, một chút muối.
Thí nghiệm: Nhẹ nhàng đặt một quả trứng vào ly nước tinh khiết. Quả trứng không vỡ và rơi xuống đáy ly. Đổ một ít nước nóng vào ly thứ hai và hòa tan 4 - 5 muỗng canh muối. Chờ nước nguội bớt rồi thả quả trứng thứ hai vào. Trứng sẽ nổi chứ không chìm xuống như quả đầu tiên.
Giải thích: Chìa khóa ở đây là mật độ phân tử tạo thành cả trứng và nước. Mật độ trung bình của một quả trứng lớn hơn nhiều so với nước tinh khiết, do đó nó sẽ bị kéo xuống. Mật độ của hỗn hợp muối cao hơn trứng, do đó trứng không bị chìm mà nổi lên.
Kẹo đường kết tinh
Bạn cần: 2 ly nước, 5 ly đường, các que tre thường dùng để xiên thịt nướng, vài tờ giấy dày, một cái chảo, màu thực phẩm.
Thí nghiệm: Làm một ít nước đường bằng cách cho hai muỗng cà phê đường bình thường vào 1/4 ly nước. Rải ít đường lên một mảnh giấy. Nhúng que tre vào hỗn hợp, khuấy để đường bắt đầu dính vào. Hãy chắc chắn rằng hỗn hợp này được trải đều dọc theo mỗi que tre, sau đó đặt chúng ra giấy.
Để các que tre tự khô qua đêm. Sáng hôm sau, hòa tan 5 ly đường vào 2 ly nước và đổ vào chảo đun nóng. Để phần nước đường này nguội trong 15 phút, không để quá lâu vì tinh thể sẽ không hình thành. Đổ vào lọ rỗng, thêm màu thực phẩm. Đặt những que tre đã sẵn sàng vào lọ, sử dụng kẹp phơi quần áo để giữ chúng không chạm vào đáy hoặc cạnh bình. Chờ đợi và quan sát những gì xảy ra.
Giải thích: Khả năng hòa tan của nước đường giảm khi nhiệt độ giảm, do đó sẽ sinh ra các cặn đường kết tinh trên que tre.
Ngọn lửa que diêm
Bạn cần: vài que diêm, một đèn pin.
Thí nghiệm: Đốt một que diêm và giữ nó cách tường 10-15 cm. Chiếu đèn qua tay đang cầm que diêm. Bạn sẽ thấy chỉ có bóng bàn tay và que diêm xuất hiện trên tường, không có ngọn lửa.
Giải thích: Lửa không tạo bóng, bởi nó không cản trở sự di chuyển của ánh sáng. Bản thân lửa là một nguồn sáng, ánh sáng thường sẽ đi xuyên qua nó.
thí nghiệm, khoa học, kiến thức, giải thích, bong bóng, bút chì, bắp cải