Xây dựng môn học mới ở cấp tiểu học, tích hợp nội môn Lịch sử ở cấp THCS và học theo chủ đề ở cấp THPT là những dự kiến thay đổi trong việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa Lịch sử.
Chiều 7/10, hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trong bối cảnh hiện nay” diễn ra tại Đại học Sư phạm Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các trường đại học và THPT trên cả nước. Những dự kiến thay đổi về chương trình và sách giáo khoa mới của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ gây chú ý đặc biệt.
Xây dựng môn học mới ở cấp tiểu học
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Viện trưởng Phát triển Giáo dục và Văn hóa, người tham gia biên soạn sách giáo khoa mới cho biết, hiện nội dung môn Lịch sử và Địa lý của học sinh lớp 4, lớp 5 cùng chung một cuốn sách. Dự kiến tới đây sẽ thay thế bằng môn học mới có tên “Tìm hiểu xã hội lớp 4, 5”. Môn học này được thiết kế theo dạng tích hợp kiến thức, kỹ năng thuộc môn Lịch sử, Địa lý và một số vấn đề văn hóa xã hội, không đi quá chuyên sâu từng lĩnh vực.
Sách giáo khoa mới sẽ xây dựng những câu chuyện và chủ đề lịch sử, địa lý ở mức độ đơn giản, phù hợp với nhận thức và tâm lý học sinh tiểu học. Ví dụ, sẽ có những câu chuyện về Quốc kỳ, Quốc ca và tên gọi đất nước qua các thời kỳ; đặt tên chủ đề một cách gần gũi như “Du lịch qua các cố đô” để nói về Phong Châu, Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long…, hay “Đi thăm các dòng sông” để kể câu chuyện lịch sử và địa lý trên sông Hồng, sông Hương, sông Bạch Đằng…
Câu chuyện về lịch sử thế giới dự kiến cũng được đặt tên lôi cuốn học sinh nhỏ tuổi như Ai Cập - đất nước của Kim Tự Tháp, hay Hy Lạp - Quê hương của các vị thần. Tất cả sẽ được viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo trí tượng tượng, liên hệ xưa và nay, qua đó phát triển năng lực của học sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ trình bày tham luận đổi mới việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa Lịch sử mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Ảnh: Thanh Tâm. |
Tích hợp nội môn Lịch sử ở cấp THCS
Mục tiêu của môn Lịch sử ở THCS là giúp học sinh hiểu được toàn thể dòng chảy lịch sử Việt Nam trong mối tương quan với thế giới. TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết, những nhà biên soạn dự kiến thực hiện mô hình tích hợp nội môn bao gồm tích hợp cổ đại với hiện đại, tích hợp giữa lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, lịch sử Việt Nam và lịch sử địa phương. Trong đó, lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm 60% thời lượng chương trình.
Ông Vỳ chỉ ra một thực tế ở sách giáo khoa lớp 6 hiện hành, phần kiến thức về “Xã hội nguyên thủy trên thế giới” được học ở bài 3 nhưng phải đến bài 8 học sinh mới được học “Thời nguyên thủy ở nước ta”. Như vậy, các em khó có thể so sánh, liên hệ. Để khắc phục điều này, dự kiến chương trình, sách giáo khoa mới sẽ không đi theo hướng dạy hết lịch sử thế giới mới dạy lịch sử Việt Nam mà cấu trúc lại theo hướng kiến thức về lịch sử thế giới và Việt Nam chạy song song.
Bên cạnh việc tích hợp nội môn, chương trình, sách giáo khoa lịch sử mới ở cấp THCS sẽ tiếp tục có sự tích hợp liên môn giữa Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Văn học. Để tránh trùng lặp kiến thức, vẫn thể hiện đặc trưng của từng môn học, tác giả biên soạn sách ở các môn phải phối hợp, trao đổi cụ thể với nhau. Ví dụ ở chủ đề biển, đảo, nếu như sách Lịch sử nhấn mạnh vấn đề chủ quyền thì sách Địa lý phải nhấn mạnh vị trí địa lý, văn hóa, kinh tế biển, đảo…
Học theo chủ đề ở trung học phổ thông
Xu thế hiện nay của nhiều nước là học theo chủ đề. Vai trò của người dạy và người học sẽ thay đổi. Giáo viên không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn giữ vai trò điều hành hoạt động trong lớp, tổ chức trò chơi, cuộc thi, hướng dẫn học sinh học tập. Học sinh sẽ phải chủ động tìm kiếm thông tin theo chủ đề, tích cực thu nhận kiến thức để liên hệ, so sánh và vận dụng vào thực tiễn. Đây là cách rất hiệu quả để phát triển năng lực, tư duy của học sinh.
Chương trình Lịch sử THPT theo TS Vỳ dự kiến được thiết kế theo các chủ đề và trong mỗi chủ đề lớn sẽ có những chủ đề nhỏ sao cho có một phần “đồng tâm” để khái quát những nét cơ bản nhất của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc.
Ông Vỳ và cộng sự đã đưa ra một vài chủ đề dự kiến như những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; sự phát triển kinh tế qua các thời kỳ; truyền thống yêu nước của dân tộc; những di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Nam; những nền văn minh tiêu biểu trên thế giới…
Cách đặt tên cho các chủ đề cũng phải được chú trọng. Tên chủ đề sẽ thể hiện một sự mới lạ và được kỳ vọng gây hứng thú cho học sinh. Ví dụ với chủ đề “Hòa bình và chiến tranh trong thế kỷ XX” của phần lịch sử thế giới, các chủ đề nhỏ sẽ là “Quá khứ không bình yên” để chỉ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai; “Khói súng vẫn dày đặc” để chỉ chiến tranh ở Trung Đông, khủng bố ở Mỹ hay xung đột tại Syria; “Âm thanh của hòa bình” để nói về tổ chức Liên Hợp Quốc hay Olympic quốc tế… Tên chủ đề như vậy sẽ giúp học sinh cảm thấy không khô khan, phần nào thay đổi cách nhìn của học sinh đối với môn học này.
Chương trình Lịch sử các cấp sẽ được xây dựng trên nhiều nguyên tắc, trong đó tinh giản, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng. Ông Vỳ cho biết sẽ tinh giản bằng cách giảm lịch sử chiến tranh, tăng cường lịch sử kinh tế văn hóa, đặc biệt là lịch sử của những quốc gia gần Việt Nam để phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thanh Tâm
đổi mới, sách giáo khoa, Lịch sử, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông