Chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, chưa đánh giá được nguồn lực của bản thân, sinh viên Việt Nam chưa thể trở thành công dân toàn cầu thực thụ.
Tham dự chương trình "Chào tân sinh viên 2016" tổ chức tại Đại học Thương mại (Hà Nội) sáng 21/9, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng, đã có bài phát biểu được hàng nghìn sinh viên vỗ tay nhiệt liệt.
TS Lê Thẩm Dương nhận định hầu hết sinh viên Việt Nam chưa tự đánh giá được nguồn lực của bản thân. Ảnh: Thanh Tâm. |
Theo TS Dương, suốt 12 năm tiểu học và trung học, hầu hết học sinh không thể tìm ra điểm mạnh của chính mình. Việc định hướng nghề nghiệp vì thế gặp nhiều khó khăn, những kiến thức, kỹ năng cần thiết gần như không có.
Đánh giá điểm mạnh của bản thân phải dựa trên 4 yếu tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ và tính cách. Trong đó, thái độ và kỹ năng quan trọng bậc nhất đối với nhiều nhà tuyển dụng, nhưng không được đào tạo bài bản. Các trường đại học Việt Nam chủ yếu trang bị kiến thức cho sinh viên mà chưa chú trọng những yếu tố khác. Sinh viên phải tự khám phá, tự hiểu mình là ai, mạnh, yếu ở điểm nào.
TS Dương cũng chỉ ra rằng, thế giới phẳng nhưng sinh viên chưa “phẳng”. Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia thông minh nhất thế giới, nhưng chưa nhiều sinh viên khẳng định được vị thế của mình, chưa có nhiều người có đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu thực thụ. Rào cản lớn nhất không phải ngoại ngữ mà là suy nghĩ và hành động.
Hầu hết sinh viên thừa nhận chưa trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để hội nhập. Ảnh: Thanh Tâm. |
Tham gia chương trình, rất nhiều sinh viên thừa nhận chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng xu thế hội nhập hiện nay. Nhiều bạn chưa tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu, chưa đánh giá được nguồn lực của bản thân.
Nguyễn Trung Kiên (Học viện Kỹ thuật quân sự) cho biết mặc dù đã học đến năm 3, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được hứng thú với ngành kỹ thuật ôtô mà mình theo đuổi. Kiên cũng chưa nhận thấy mình mạnh và yếu ở điểm nào khiến ba năm đại học gặp rất nhiều khó khăn.
Trái ngược với Kiên, nhiều sinh viên năm nhất tự tin với lựa chọn ngành nghề của mình, nhưng cũng không trả lời được câu hỏi chọn ngành nghề đó là do sở thích bộc phát hay đam mê, do được đánh giá giỏi ở lĩnh vực đó hay chỉ là những ảo tưởng của bản thân.
Trả lời sinh viên, TS Dương cho rằng đam mê chỉ xuất hiện khi đã thực hiện một loạt hành động. Sự giỏi giang thực sự chỉ được công nhận khi có đánh giá của một nhóm người. Sinh viên năm nhất có bạn lựa chọn ngành học theo mong muốn của bố mẹ, có bạn đấu tranh để học theo ý của bản thân. Đến thời điểm nhập học, vẫn chưa thể biết ai đúng ai sai bởi các bạn chưa có nhiều thời gian tiếp xúc với kiến thức và trải nghiệm công việc ở ngành nghề đó, cũng như chưa nhận được đánh giá của bất kỳ ai. Có chăng, đó chỉ là những suy nghĩ chủ quan.
Việc thế hệ trẻ phải trải qua quãng thời gian học đại học mới khám phá được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là khá muộn, TS Dương nêu quan điểm. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc định hướng nghề nghiệp tương lai và ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam bởi thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.
Ông nhận định việc nhiều trường ở Việt Nam hiện nay áp dụng mô hình trường học VNEN chính là cách rất tốt để thúc đẩy học sinh sớm khám phá ra điểm mạnh của bản thân.
Thanh Tâm
TS Lê Thẩm Dương, điểm yếu, sinh viên, Việt Nam