Nhật Nam được khuyến khích tự đưa ra chính kiến trong các tình huống để biết điều gì là nên, không nên trong giao tiếp, học tập.
Là giảng viên đại học và là mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam, những chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con của chị Phan Hồ Điệp nhận được sự quan tâm của nhiều người.
- Vì sao chị quyết định cho con du học từ năm 13 tuổi?
- Đi du học từ năm 13 tuổi nhưng Nam không gặp khó khăn gì đáng kể trong việc hòa nhập với môi trường mới, có lẽ vì con đã tự trang bị cả hai yếu tố: khả năng tiếng Anh và kỹ năng mềm thiết yếu.
Có một điều rất thú vị mà tôi rút ra trong quá trình học hỏi của Nam, đó là bạn có thể khuyến khích con dùng tiếng Anh để học các kỹ năng. Đó chính là lúc, con có thể cải thiện được vốn tiếng Anh đồng thời vẫn nắm bắt thông tin.
Tôi mong muốn Nam đi nhiều; trải nghiệm, thực hành, học hỏi nhiều… để làm một việc đơn giản là hiểu chính bản thân mình, sống đúng là mình và có cuộc sống hạnh phúc.
- Ngoài tài năng về tiếng Anh, học tập, viết sách, Nam còn tự tin diễn thuyết và nói chuyện trước nhiều người. Chị đã giáo dục con thế nào?
- Tôi giảng dạy tại trường đại học, tiếp xúc với nhiều sinh viên nên có cảm giác các em thiếu những kỹ năng mềm để làm việc. Điều này khiến tôi ý thức trong việc dạy con những kỹ năng cơ bản mà hầu hết các quốc gia phương Tây đang áp dụng trong ngành giáo dục, ví dụ như kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, sự sáng tạo, kiến thức cơ bản về kỹ thuật số.
- Chị làm cách nào để Nam hứng thú học những kỹ năng này từ lúc bé?
- Khi gặp người khác, cách giao tiếp là chìa khóa để giúp bạn bày tỏ về mình cho người khác hiểu và thiện cảm. Tôi cố gắng giúp Nam thực hành việc giao tiếp tốt thông qua những câu chuyện xã hội hay những câu chuyện đáng yêu trong sách vở. Tôi cũng giúp Nam bày tỏ sự biết ơn, nói lời cảm ơn, xin lỗi và cả cách kiểm soát cảm xúc cá nhân bằng cách chơi trò chơi đóng vai để con biết, ở các vai khác nhau thì nên cư xử thế nào. Nam thường được đánh giá là cậu bé biết cách giao tiếp, vui vẻ, hồn nhiên.
Du học ở một quốc gia có nhiều điều khác biệt trong giao tiếp, Nam cũng phải tự điều chỉnh cho phù hợp, biết những điều gì là nên, không nên trong giao tiếp.
Chị Phan Hồ Điệp luôn tâm niệm mỗi đứa trẻ đều có những tố chất đặc biệt, điều quan trọng là cha mẹ và những người xung quanh giúp con phát huy thế mạnh của tôi. |
Với tư duy phản biện, đây là kỹ năng vô cùng cần thiết trong học tập, đặc biệt là với học sinh ở nước ngoài.
Ngay từ khi học lớp 3, tôi đã khuyến khích con tham gia những kỳ thi hùng biện và phản biện tiếng Anh với mong muốn giúp con hiểu được thế nào là phản biện. Trong cuộc sống hàng ngày, trước những tình huống hoặc vấn đề mình cũng thường gợi cho con nghĩ đến những câu hỏi: Vì sao? Làm thế nào? Có thể thay đổi gì không? Có điều gì có thể cải thiện?... thay vì chấp nhận nó.
Nam có cách đọc sách rất thú vị đó là cứ đến những chỗ nào có vấn đề cần phải suy nghĩ, Nam lấy bút gạch chân và ghi câu hỏi vào bên cạnh rồi mày mò tự trả lời. Tôi cũng hay có trò chơi là đưa ra một vấn đề không có tính đúng sai, sau đó hai mẹ con sẽ thành hai phe và đưa ra các ý kiến để bảo vệ quan điểm của mình. Nhiều khi cuộc tranh biện trở nên gay gắt nhưng rồi hai mẹ con lại ngồi lại để rút ra những điều cần thiết của việc phản biện, đó là: nêu quan điểm, bảo vệ quan điểm bằng những bằng chứng phù hợp, tạo mối liên hệ giữa các ý, đánh giá, phân tích, tổng hợp…
Với khía cạnh về kỹ thuật số, trong thời đại này, kiến thức căn bản về công nghệ được coi là kỹ năng quan trọng. Tôi tự nhận thấy còn kém ở kỹ năng này nên thường nhờ Nam “phổ cập”. Thực chất đây cũng chính là cách kích thích để Nam tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng trong thế giới kỹ thuật số.
Còn về khả năng sáng tạo, trong mỗi đứa trẻ đều có sẵn tiềm năng sáng tạo nhưng đôi khi người lớn thường bỏ qua hoặc cho là chuyện trẻ con và vô tình làm khả năng đó mai một.
Với Nam, tôi luôn khuyến khích con tạo ra hoặc thực hiện những ý tưởng mới mẻ dù có thể nó không mang lại kết quả. Nam được tự do tưởng tượng và đưa ra chính kiến với tôi.
Thay vì dùng 'quyền lực' của một người mẹ để dạy con, chị Phan Hồ Điệp sẵn sàng làm người bạn để cùng con chia sẻ mọi vấn đề. |
- Một đứa trẻ ở tuổi tiểu học sẽ gặp khó khăn gì khi tiếp thu những kỹ năng này?
- Với Nam, tôi không gặp nhiều khó khăn vì con là cậu bé ham đọc sách, thích khám phá và tìm hiểu những điều mới mẻ. Có thể vì thế nên các kỹ năng mềm cũng được Nam đón nhận và thực hành một cách nhẹ nhàng và thường xuyên trong đời sống hàng ngày.
Mọi người thường ưu ái gọi Nam với danh xưng “thần đồng” nhưng thực sự Nam cũng chỉ như các bạn nhỏ khác và luôn hiểu rằng, dù là ai thì bí quyết để thành công là có một phương pháp tư duy khoáng đạt, cấp tiến.
- Đâu là yếu tố quan trọng nhất khơi dậy niềm hứng thú học tập ở trẻ?
- Tôi luôn đặt sự tin tưởng vào con. Hồi còn nhỏ thì “gạ” Nam làm giáo viên dạy tiếng Anh cho mình. Khi lớn hơn, mỗi lần Nam chia sẻ những điều mới, tôi đều lắng nghe chăm chú và cẩn thận ghi chép lại. Chính vì thế, Nam rất thích thú với việc tìm hiểu và chia sẻ kiến thức với mẹ.
Tôi cũng nghĩ điều quan trọng là phải tạo và tìm kiếm được môi trường cho phép con phát triển hết những tiềm năng của mình.
Trung tâm Anh ngữ ILA, phương pháp học tư duy thế kỷ 21, thần đồng Đỗ Nhật Nam