Giáo dục

Bạn cần biết bao nhiêu từ để nói trôi chảy một ngoại ngữ?

Thành thạo nhiều thứ tiếng, Benny (Ireland) chỉ ra cần bao nhiêu từ để có thể nói trôi chảy một ngoại ngữ và đưa ra những chiến lược vừa thông minh, vừa hiệu quả.

Đôi khi trên website này, tôi muốn đặt những câu hỏi ngớ ngẩn làm tiêu đề cho bài viết, và rồi sau đó giải thích tại sao như vậy, cuối cùng sẽ đưa ra cách nhìn nhận khác về nó. Hãy cùng nhìn lại tiêu đề bài viết ở bên trên.

Thời gian gần đây tôi nhận được câu hỏi này cùng một vài câu tương tự: bạn cần biết bao nhiêu từ trước khi nói thành thạo một ngôn ngữ?

Thật khó để giải thích tại sao tôi lại nghĩ nó ngớ ngẩn, nhưng tôi sẽ cố gắng bằng cách liên hệ nó với việc hỏi một nhà soạn nhạc rằng “ông cần chính xác bao nhiêu nốt nhạc để viết nên một kiệt tác âm nhạc?”.

Theo bạn thì ông ta sẽ trả lời như thế nào, ông ta sẽ tròn mắt nhìn bạn và nghĩ “cậu thực sự chẳng hiểu gì cả”?

“Chất lượng hơn số lượng” có lẽ là lời giải đáp hợp lý nhất!

Bất cứ khi nào một người nghĩ vu vơ một con số và đưa cho tôi, hoặc anh ta nhận được con số đó từ một “nguồn đáng tin cậy”- người đã “bịa” ra nó, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: một “từ” là như thế nào? “Dog” và “dogs” liệu có được tính là hai từ riêng biệt? Tầm quan trọng của từ “red” và từ “armadillo” (con tatu- một loài động vật) có như nhau không? Cậu dựa vào đâu mà đưa ra con số này? Làm sao cậu đếm được chính xác số từ mà một người thực sự biết?

Tôi chỉ đơn giản là đang đặt một ngôn ngữ lên bàn cân để xem xét, mặc dù nó thực chất chỉ là phương tiện hiệu quả và linh hoạt của giao tiếp mà thôi.

Cố gắng học tất cả mọi thứ thật là ngớ ngẩn

Một vấn đề lớn tôi gặp phải với những người cầu toàn khi học ngoại ngữ, đó là việc cần phải biết tất thảy mọi thứ. Như kiểu việc biết nghĩa của từ “obsidian” có thể cứu bạn một ngày nào đó vậy. Theo quan điểm của tôi, ám ảnh bởi việc phải biết tất cả mọi thứ trước cả khi bạn áp dụng chúng là thất bại lớn nhất trong việc học một ngoại ngữ.

ban-can-biet-bao-nhieu-tu-de-noi-troi-chay-mot-ngoai-ngu

Quy tắc Parento, 20% nỗ lực sẽ mang lại 80% kết quả. Ảnh: linkedin.com

Tốt hơn hết là sử dụng cách tiếp cận Pareto để biết rằng bạn có thể làm rất nhiều việc với chỉ một lượng ít ỏi những thứ bạn học lúc khởi điểm, loại bỏ những từ không cần thiết và quay lại với chúng sau. Tôi đã phân tích chi tiết ở một số nơi về phương pháp phân loại trong việc tiếp cận một ngôn ngữ. Tôi giải quyết những từ cần thiết càng sớm càng tốt, phần còn lại thì xử lý sau. Bạn không nhất thiết phải biết tất tần tật mọi thứ ngay bây giờ. Đó là một sự lãng phí - nhiều người vẫn kể với tôi rằng họ đã học một ngoại ngữ trong nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa sẵn sàng để nói. Như thể có thể xếp bạn vào trình độ “cũng được” nếu bạn vượt qua được chiếc rào cản làm từ hàng trăm nghìn từ vậy…

Thực tế, kể cả bạn có biết mọi từ trong một ngoại ngữ, bạn vẫn còn lâu mới có thể thành thạo được nó. Thành thạo một ngoại ngữ đốt với tôi là tôi có thể sử dụng nó trong cuộc sống mà không bao giờ cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ người bản xứ.

Trên tất cả, có một nghệ thuật trong việc tìm ra nghĩa của từ đặt bối cảnh nhất định. Bạn hoàn toàn không cần phải biết tất thảy mọi từ - trong nhiều trường hợp, nghĩa của từ có thể hiển nhiên nhìn ra được, còn nếu bạn không biết… thì hỏi đi!

Sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi nói ngoại ngữ nếu bạn không coi nó là một kỳ thi

“Benny này, cậu muốn đạt được đến trình độ C1, nhưng cậu cần phải biết tâm X từ mới được đấy”.

Không phải đâu, tin tôi đi. Họ không đưa cho bạn một từ ngẫu nhiên và bắt bạn dịch ra tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi đã trải qua ba kỳ thi cấp cao ở châu Âu, và đạt được điểm số rất tốt trong phần thi nói (96% khi thi tiếng Tây Ban Nha và 74% tiếng Đức, cả hai đều ở cấp độ C2), tuy nhiên tôi chắc chắn là không biết đủ lượng từ “cần phải biết” để đạt được mức C2 tiếng Đức, và tôi cũng không chắc rằng mình biết 96% số lượng từ tiếng Tây Ban Nha.

Ví dụ, khi làm bài kiểm tra tiếng Đức, tôi phải bàn về chặt phá rừng. Vấn đề là tôi không thể nói được chủ đề này, kể cả bằng tiếng Anh (tiếng mẹ đẻ của tác giả). Vì vậy tôi đã làm theo cách của mình, vì họ không kiểm tra xem tôi có biết tên của các loại cây hay không, họ muốn thấy được khả năng nói tiếng Đức trôi chảy của tôi. Tôi nói không ngập ngừng và trình bày quan điểm của mình một cách rõ ràng và mạch lạc, mặc dù không có đủ từ vựng để nói về việc phá rừng. Tôi đã thành công. Họ không kiểm tra kiến thức về phá rừng của tôi, mà chỉ kiểm tra mức độ thành thạo ngôn ngữ của tôi.

Khi tôi đối mặt với bất kỳ tình huống nào cần thảo luận về bất kỳ chủ đề nào, tôi cố gắng tránh nói những từ tôi không biết, mà không để người nói chuyện cùng biết. Điều này đã giúp tôi vượt qua những bài thi tiêu chuẩn một cách dễ dàng.

Không thể lượng hóa khả năng sử dụng một ngôn ngữ

Nếu bạn dồn tôi vào góc và ép tôi dịch một từ không trong một bối cảnh nào, tôi “không thể” trả lời bạn. Ví dụ, bạn hỏi tôi “tăm xỉa răng” trong tiếng Tây Ban Nha là gì, tôi không biết. Nhưng từ “tăm” sẽ tự xuất hiện trong đầu tôi nếu tôi đang nói tiếng Tây Ba Nha một cách thoải mái, và tôi sẽ nhận ra từ này nếu đang giao tiếp trong tình huống cụ thể.

ban-can-biet-bao-nhieu-tu-de-noi-troi-chay-mot-ngoai-ngu-1

Quan trọng là bạn biết cách sử dụng từ vựng bạn đang có, chứ không phải là biết tất cả từ vựng. Ảnh: yourdictionary.com

Nói một cách máy móc thì tôi không “biết” từ theo cách như vậy. Tôi không phải là một cuốn từ điển sống, thay vì đó, tôi muốn thực sự dùng ngoại ngữ trong thực tiễn.

Hầu hết những con số hình thức kiểu “số lượng từ bạn cần biết trước khi thành thạo một ngôn ngữ” chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Tôi đánh giá mức độ thành công trong việc học một ngoại ngữ bằng những thứ quan trọng mà khó có thể đong đếm được bằng những khái niệm toán học như “số lượng từ tôi biết”. Và đây là những thứ mà tôi không thích đo đếm cho lắm, như số bạn bè, hay số lần tôi cười khi nói thứ ngoại ngữ đó.

Đó là những điều có thể ghi chép lại được, nhưng mà sao phải làm vậy? Tôi đang học ngoại ngữ chứ không cố gắng kiếm điểm thật cao trên một bảng xếp hạng. Tôi muốn giao tiếp. Tình bạn là thứ cần gặt hái trên con đường đi đến thành công, không phải là những con số vô nghĩa để so sánh xem tôi hay bạn, ai có nhiều bạn bè hơn.

Đôi khi có một con số nhất định cần đạt được làm mục tiêu có thể rất hữu ích nếu nó thúc đẩy bạn làm việc, nhưng nó chỉ là công cụ thúc đẩy, vậy thôi. Nó không thực sự mang nhiều ý nghĩa. Học thuộc càng nhiều từ bạn càng dễ dàng giao tiếp hơn (miễn là bạn đang áp dụng đúng cách phân loại). Nhưng thay vì ghi chép lại chính xác số từ bạn học được, sao không tập trung vào việc sử dụng càng nhiều từ càng tốt?

Nguồn: http://www.fluentin3months.com/how-many-words/
Lược dịch và hiệu đính: Quang Nguyen - Moon ESL

VNExpress

bạn, cần biết, bao nhiêu từ, trôi chảy, ngoại ngữ, tiếng Anh


© 2021 FAP
  917,149       1/870