Giáo dục

Bách khoa, Y Hà Nội thiếu hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển đợt 1

Nhiều tên tuổi đầu ngành như Y Hà Nội phải xét tuyển bổ sung 206 chỉ tiêu, Đại học Bách khoa Hà Nội thiếu 800 sinh viên cho nhiều nhóm ngành, đặc biệt là chương trình đào tạo quốc tế.

Chiều 19/8, kết thúc thời hạn thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển, nhiều trường đã tuyển đủ sinh viên. Một số trường còn thiếu nhanh chóng thông báo xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu.

so-giao-duc-muon-tu-xet-tot-nghiep-truong-muon-tu-chu-tuyen-sinh-1

Phụ huynh, thí sinh cân nhắc chọn trường, chọn ngành trong ngày cuối xét tuyển đợt 1. Ảnh: Giang Huy.

Nhóm GX gồm 12 trường thành viên, ngoài Đại học Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh ngay trong đợt 1, các trường còn lại như Bách khoa, Thủy lợi, Giao thông Vận tải và một số thành viên khác phải xét tuyển bổ sung.

Cuối giờ chiều 19/8, Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo. Nhóm ngành KT12 gồm Kỹ thuật Cơ khí (cơ khí chế tạo và cơ khí động lực), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật Tàu thủy thiếu nhiều nhất 120 chỉ tiêu với điểm xét từ 8 trở lên, Kỹ thuật điện tử - Truyền thông thiếu 80 chỉ tiêu xét từ 8,3 trở lên. Xem cụ thể tại đây

Đại học Y Hà Nội, trường đầu khối Y Dược với điểm chuẩn cao ngất ngưởng hầu như chưa năm nào phải tuyển bổ sung. Nhưng năm nay ngoài Y Đa khoa đào tạo tại Hà Nội tuyển đủ thì các ngành còn lại đều xét tuyển thêm, tổng cộng 206 chỉ tiêu. 

Trong đó, ngành Y đa khoa Phân hiệu Thanh Hóa tuyển sinh năm đầu tiên còn thiếu 41 chỉ tiêu. Mức điểm nhận hồ sơ từ 23,5 trở lên. Ngành Y học dự phòng thiếu 46 chỉ tiêu, điểm từ 21 trở lên. Trường dùng tổ hợp xét tuyển Toán, Hóa, Sinh. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 1 từ ngày 21/8 đến 16h30 ngày 31/8.

bach-khoa-y-ha-noi-thieu-ca-nghin-chi-tieu-xet-tuyen-dot-1-1

Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của Đại học Y Hà Nội.

Thường xuyên có điểm trúng tuyển từ 24 trở lên, tương đối cao trong nhóm ngành Khoa học xã hội nhưng Học viện Ngoại giao năm nay cũng phải tuyển bổ sung. Chỉ tiêu dành cho các ngành Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế với mức điểm từ 21 trở lên các khối A1, D1, D3 kèm một số tiêu chí phụ . Riêng ngành Ngôn ngữ Anh xét tuyển thí sinh đạt 30 điểm trở lên, môn tiếng Anh nhân hệ số 2. 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng xét tuyển bổ sung hơn 500 chỉ tiêu cho 18 chuyên ngành vì đợt 1 tuyển chưa đủ. Các chuyên ngành thiếu nhiều nhất là Chính trị học, Quản lý hoạt động tư tưởng văn hóa thiếu 50 chỉ tiêu, Quan hệ Quốc tế thiếu 40, Quản lý kinh tế thiếu 35 chỉ tiêu...

Mức tối thiểu nhận hồ sơ đối với ngành Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh xét tuyển căn cứ kết quả thi THPT quốc gia theo từng tổ hợp đã công bố là 28, đã có điểm ưu tiên đối tượng, khu vực, môn Tiếng Anh tính hệ số 2. Các ngành, chuyên ngành còn lại nhận hồ sơ từ 16,5 trở lên, tính điểm hệ số 1, kể cả điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành vào 2 trường trong đợt đầu xét tuyển. Nhiều thí sinh điểm cao trúng tuyển cả hai đại học nên tỷ lệ ảo rất lớn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thì các trường phải chấp nhận tỷ lệ ảo.

Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu.

Đợt xét tuyển bổ sung nguyện vọng 1 diễn ra từ ngày 21 đến 31/8. Đợt này, thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng. Trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4/9.

Phương Hòa

VNExpress

xét tuyển bổ sung, xét tuyển đợt 2, nguyện vọng 2, đại học bách khoa hà nội, y hà nội, học viện ngoại giao, báo chí tuyên truyền.


© 2021 FAP
  918,522       1/875