Giáo dục

Du học sinh Việt Nam có thêm cơ hội làm việc tại Nhật

Du học sinh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội ở lại làm việc tại Nhật Bản sau tốt nghiệp nhờ chính sách nới lỏng điều kiện cho lao động nhập cư mà Thủ tướng Shinzo Abe đề xuất.

Chính phủ của đảng Dân chủ Tự do Nhật vừa đưa ra loạt chính sách thúc đẩy kinh tế, trong đó có nới lỏng điều kiện nhận du học sinh và người lao động nước ngoài đến làm việc, cam kết cung cấp giấy tờ cư trú hợp pháp lâu dài đối với những người có tay nghề cao.

Đề xuất này cũng bao gồm việc nâng tỷ lệ sinh viên được ở lại làm việc sau tốt nghiệp tại Nhật Bản, từ 30% hiện nay lên 50%.

Những chính sách này là phần quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của đảng Dân chủ Tự do do ông Abe lãnh đạo, cho mùa bầu cử tháng 7 này. Một số ngành kinh tế của Nhật “đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng do lực lượng lao động suy giảm". Dân số Nhật Bản không tăng và tỷ lệ người già ngày càng tăng lên. Điều này dẫn tới dự đoán rõ ràng rằng "sẽ có sự gia tăng tỷ lệ lao động nước ngoài tại Nhật", WSJ trích dẫn đề xuất. 

Các lĩnh vực đang thiếu hụt nhân công lớn sẽ được bổ sung nhân lực từ nước ngoài, như ngành điều dưỡng, công nhân, đặc biệt là nhân công phục vụ các dự án cho Olympics Tokyo sẽ diễn ra năm 2020. 

du-hoc-sinh-viet-nam-co-them-co-hoi-lam-viec-tai-nhat

Nguyễn Thị Chúc (trái), một thực tập sinh Việt Nam học ngành y tá tại Nhật Bản. Ảnh: Japan Times. 

Các yếu tố này được dự  kiến tạo thuận lợi cho du học sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật có thêm cơ hội ở lại làm việc sau khi hoàn thành khoá học. Nhật hiện tại rất “khát” nguồn lao động có tay nghề cao.

Các đề xuất về lao động nước ngoài mà chính phủ ông Abe đưa ra sẽ vấp phải nhiều tranh cãi, như lo ngại về tội phạm gia tăng hoặc tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết số lượng người lao động nước ngoài phạm tội trong thời gian gần đây đã giảm dù số nhân công nước ngoài mới đến ngày một tăng. 

Nỗi e ngại người lao động nước ngoài là một rào cản đối với sự phát triển của Nhật, điều mà ông Abe vẫn chưa có đường hướng giải quyết. Một phần của vấn đề liên quan đến lực lượng lao động nội địa, trong đó lực lượng lao động Nhật giảm một triệu người trong giai đoạn 2010 đến 2015, theo tổng điều tra dân số. Dân số Nhật Bản hiện khoảng 127 triệu.

Toshihiro Menju, giám đốc điều hành tại Trung tâm giao lưu quốc tế Nhật Bản, đã kêu gọi chính phủ cho phép nhiều người nhập cư hơn, nhưng đồng thời cảnh báo những người lao động có tay nghề cao sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong xã hội bên cạnh các biện pháp của chính phủ. "Hiện không có cấu trúc nào của công ty Nhật Bản và trong xã hội chấp nhận lao động nước ngoài”, ông nói.

Nhật Bản từ lâu tương đối khó khăn đối với người nước ngoài muốn có giấy phép lao động, đặc biệt là những người thiếu các kỹ năng cụ thể. Bốn bề là biển, vị trí địa lý này đã giúp Nhật tránh khỏi những người nhập cư không mong muốn, tránh các vấn đề chính trị đã làm khó chịu Mỹ và châu Âu. Khó khăn trong việc học tiếng Nhật và việc thích nghi với văn hóa địa phương cũng là một rào cản lớn.

Nhưng với tỷ lệ sinh giảm, Tokyo ngày càng thấy hạn chế lao động nhập cư đang khiến Nhật gặp nhiều vấn đề. Nước này đã mở rộng các dịch vụ tìm việc làm phù hợp cho sinh viên nước ngoài, những người có thể làm việc gần 30 giờ một tuần. Điều đó đã giúp tăng số lượng lao động nước ngoài, đạt gần 908.000 tính đến tháng 10 năm ngoái, tăng 15% so với năm trước, theo số liệu của Bộ Lao động.

Trong số này, người lao động Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là người Việt Nam, với trên 100.000. Các nước khác trong danh sách này còn có Philippines, Brazil và Hàn Quốc. 

Theo đề xuất của ông Abe, chính phủ sẽ cấp một thẻ mà xanh - mượn một thuật ngữ của Mỹ khi nói về việc cư trú vĩnh viễn - và sẽ là một "hệ thống nhanh nhất thế giới." Tuy nhiên không ai biết hệ thống này sẽ nhanh như thế nào. Hiện nay, những người lao động lành nghề trong các lĩnh vực như kỹ thuật hoặc tài chính phải sống ở Nhật Bản ít nhất 5 năm trước khi nộp đơn xin.

Trọng Nghĩa

VNExpress

Du học sinh Việt Nam có thêm cơ hội làm việc tại Nhật - VnExpress


© 2021 FAP
  946,587       7/867