Giáo dục

Một tháng tình nguyện vùng cao của nam sinh Hà Nội

Một tháng tình nguyện giảng dạy tiếng Anh cho đồng bào vùng cao ở Sa Pa đã giúp Vũ Đông Sơn (12S trường THPT Đoàn Thị Điểm) tự lập và biết sẻ chia với những người khó khăn.

Đã nhiều lần tham gia hoạt động từ thiện như quyên góp sách vở, quần áo… cùng các bạn để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng chỉ đến khi tham gia chương trình của tổ chức V.E.O (Volunteer for Education Organization) - Dạy tiếng Anh miễn phí cho đồng bào vùng cao Sa Pa (Lào Cai), tôi mới nhận thấy hết ý nghĩa của các hoạt động từ thiện.

Để được tham gia chương trình của tổ chức V.E.O tôi phải qua được vòng phỏng vấn. Tôi không thể nào quên giây phút nhận kết quả đã qua vòng phỏng vấn. Niềm vui tràn ngập trong lòng vì đã được tham gia chương trình nhưng cũng có một chút lo lắng, nhưng nỗi lo lắng đó nhanh chóng qua đi khi tôi biết có một giáo viên rất có kinh nghiệm đồng hành trong chuyến đi này. Đối với tôi, đây quả là thử thách lớn bởi tôi mới là một học sinh cấp 3, lại chuẩn bị nhận một nhiệm vụ với tư cách là một giáo viên giảng dạy tiếng Anh nơi hoàn toàn xa lạ với mình.

Chuyến đi khởi hành vào lúc 22h đêm từ Hà Nội. Đồng hành cùng tôi là 20 tình nguyện viên nữa nhưng họ chỉ tham gia 2 ngày cuối tuần. Khó khăn đầu tiên đến với tôi là giáo viên có kinh nghiệm đồng hành theo dự kiến ban đầu có việc đột xuất không tham gia được. Vậy là chỉ có mình tôi là giáo viên giảng dạy duy nhất trong một tháng sắp tới. Quả thật tôi rất khá lo lắng. Tôi đã đặt ra bao nhiêu câu hỏi cho mình: “Liệu có làm được không?”, “Mình sẽ dạy những gì? Dạy như thế nào?...

mot-thang-tinh-nguyen-vung-cao-cua-nam-sinh-ha-noi

Vũ Đông Sơn dạy học cho trẻ em ở Sapa.

Những ngày đầu tiên, tôi quan sát 20 tình nguyện viên giảng dạy, quan sát học sinh trong lớp. Tôi đặt mình trong vai trò của học sinh xem mình cần biết điều gì, cần học điều gì và thích cách học như thế nào? Sau đó tôi đã lập kế hoạch ra một quyển sổ và điều chỉnh dần dần những chỗ chưa hợp lý.

Sau hai ngày, 20 tình nguyện viên trở về Hà Nội, chỉ còn mình tôi ở lại để bắt đầu những tiết dạy của mình. Tôi dạy hai lớp trong một ngày kể cả thứ bảy và chủ nhật, đây cũng là điều khá khó khăn. Lớp buổi sáng khoảng 25 trẻ con từ 7h đến 9h và lớp tối khoảng 30-35 người lớn từ 19h đến 21h.

Ở lớp bé hầu hết là các em Tiểu học, Trung học Cơ sở. Các em còn ham chơi nhưng khi học thì rất nghiêm túc. Lớp lớn thì đa dạng hơn, người cao tuổi nhất đã 35. Có rất nhiều người muốn theo học để rồi có thể làm hướng dẫn viên du lịch và cũng có người đã làm hướng dẫn viên rồi theo học để biết được cách viết.

Tôi có lên thị trấn mua một quyển sổ và đấy là giáo án duy nhất trong cả quá trình ở trên bản. Tôi dạy lớp buổi sáng xong về nhà soạn bài để dạy buổi tối và hôm sau. Bài giảng của tôi tập trung vào một số chủ đề: như mua bán, địa danh du lịch, những câu giao tiếp thông thường… Mỗi buổi dạy, tôi chuẩn bị 2 trò chơi để học sinh vui vẻ. Bài học gồm: từ vựng, cấu trúc câu, phần thực hành và trò chơi xen kẽ. Cứ một tuần tôi sẽ dành một buổi để kiểm tra toàn bộ kiến thức đã học.

Mọi người ở đây rất ham học, luôn đến lớp đủ cho dù còn phải vất vả để kiếm sống. Có những học sinh nói tiếng Kinh chưa sõi nhưng vẫn cố gắng. Họ luôn dành cho tôi sự tôn trọng và thoải mái nhất khi gọi “thầy”. Đây thực sự là điều giúp tôi phấn đấu trong cả hành trình.

Khó khăn mà tôi gặp phải khá nhiều. Thứ nhất là hoàn cảnh sống khác xa với Hà Nội, tôi cũng chưa hiểu gì về phong tục, tập quán và lối sống ở đây. Tôi ở nhờ nhà anh lớp trưởng cách trường 2 km thôi nhưng đường đi vô cùng khó khăn.

Thứ hai, điều kiện sống cũng rất thiếu thốn: Phòng nhỏ chỉ kê được đúng một chiếc giường đủ nằm; nước sinh hoạt là nước lạnh dưới 15 độ C lấy từ suối; bữa cơm thì chủ yếu là rau hay su su, thịt rất hạn chế.

Thứ ba là ngôn ngữ, tôi không hiểu tiếng dân tộc nên hạn chế trong giao tiếp. Nếu cứ nhìn vào những khó khăn này thì có lẽ tôi đã bỏ cuộc và không vượt qua được chính mình. Tôi vừa quan sát vừa làm theo họ và học từng tí một từ ngôn ngữ, rồi làm những việc vặt trong nhà như rửa bát, nấu cám lợn, cho lợn ăn, nối lại ống nước khi không thấy nước từ suối chảy vào máng…

Chính những việc này giúp tôi hiểu và gần hơn với học sinh để được cùng chơi, cùng làm, nghe họ kể những câu chuyện ở trong bản. Tôi còn nhớ đến một học sinh bằng tuổi, nói tiếng Kinh chưa rõ nhưng đi học rất chăm chỉ. Mấy hôm liền không thấy bạn đó đến lớp, hỏi ra mới biết bạn đã đi lấy chồng. Tôi cũng đặt tên cho học sinh để dễ nhớ như Sày bé, Sày lớn hay Su Su rồi Dinh Dinh… Lớp bé cũng hay làm quà cho tôi, khi sinh nhật thì vẽ tranh tặng. Đó là những kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy xúc động vô cùng.

Sau chương trình này, tôi còn trở lại Sa Pa nhiều lần nữa và tiếp tục những chương trình khác. Hiện nay, tôi tham gia xây dựng thư viện sách ở trên đó. Những lúc thu xếp được công việc, tôi lại chuyển số sách đã quyên góp được ở Hà Nội đưa lên trên đó. Chỉ một tháng gắn bó với nơi đây, tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều, đặc biệt là biết sống tự lập, biết sẻ chia và biết lắng nghe.

Mỗi người đều có một sở thích và ước mơ riêng. Việc làm tình nguyện không phải là sự bắt buộc ai cũng phải tham gia, cũng không chỉ đơn giản là quyên góp một chút về vật chất cho những hoàn cảnh còn khó khăn mà còn là hành động góp sức lực của mình vào một việc nào đó có ích và có ý nghĩa cho người khác.

Trước chuyến đi Sa Pa, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm một việc như vậy và đến bây giờ nó như trở thành một đam mê. Vì vậy, bạn sẽ không biết khi bạn chưa thử và nếu bạn thực sự tìm thấy đam mê trong tình nguyện thì nó sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm mà sẽ theo bạn suốt hành trình cuộc đời.

Vũ Đông Sơn
12S trường THPT Đoàn Thị Điểm

VNExpress

Một tháng tình nguyện vùng cao của nam sinh Hà Nội - VnExpress


© 2021 FAP
  947,819       9/863