Nhận đề thi, nhiều thí sinh sốc vì bài thơ "Bếp lửa" đã nhiều năm không thi vào, nằm trong chương trình tự học có hướng dẫn, nhưng chiếm tới 6 điểm.
Hơn 10h trưa, nhiều thí sinh thi vào lớp 10 THCS Nam Trung Yên hào hứng ra khỏi phòng. Môn Ngữ văn kéo dài 120 phút với 2 câu hỏi được đánh giá là thú vị khi phần nghị luận yêu cầu học sinh viết về trách nhiệm của mình trong việc giữ bản sắc văn hóa dân tộc và trả lời câu hỏi liên quan đến bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt (Xem đề).
Tô Khánh Vân (trường Hà Nội Academy) đánh giá đề Văn gây bất ngờ, không đoán trước được vì câu số 2 rơi vào bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt đã nhiều năm không nằm trong đề thi. "Nhiều bạn cùng phòng thi số 17 với em nhận đề khá sốc, bên phòng thi số 18 còn ồ lên rất to", Vân kể.
Học sinh hào hứng ra khỏi trường thi tại THPT Việt Đức. Ảnh: Giang Huy. |
Theo Vân, muốn làm tốt câu 1, ngoài nắm chắc kiến thức văn bản còn phải hiểu biết về cuộc đời, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, về hành trình đi tìm đường cứu nước của Người. Từ đó mới có thể làm tốt phần nghị luận khi đề bài yêu cầu viết về "Trách nhiệm của thế hệ trẻ với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập và phát triển".
Vân cho rằng đề nghị luận ra phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang ở thời kỳ hội nhập. Em đã giải thích bản sắc dân tộc là gì, nêu dẫn chứng nhiều người trẻ hiện nay không "mặn mà" với những thứ truyền thống, học giỏi tiếng Anh nhưng không giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, thích đồ ăn Tây mà không biết nấu món truyền thống... Vân lấy chính tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đi nhiều nơi, tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhưng vẫn bình dị, rồi nói lên suy nghĩ của mình.
Năm nay, Khánh Vân đăng ký thi vào hai trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Huệ. "Nếu không đỗ vào trường chuyên em sẽ học liên cấp Hà Nội Academy. Kỳ thi vào lớp 10 cũng là một thử thách cho học sinh trường song ngữ như bọn em", Vân nói.
Nhiều thí sinh khác đánh giá đề bình thường, không có nhiều ý phân tích. Nguyễn Thu Thảo (THCS Tản Đà) cho rằng phần nghị luận nói về "trách nhiệm của thế hệ trẻ trong giữ bản sắc dân tộc" không hấp dẫn. Em hy vọng đề bài sẽ gắn với những trường hợp, tấm gương, cảnh sống, sự kiện cụ thể hơn để học sinh nói lên được suy nghĩ của mình.
Riêng câu hỏi Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi trong bài thơ Bếp lửa nhắc tới thời điểm nào của đất nước khá thú vị khi còn lồng cả kiến thức lịch sử vào đề thi Văn. "Đó chính là nạn đói năm Ất Dậu 1945 cướp đi sinh mạng hơn 2 triệu người", Thảo nói.
Phụ huynh thở phào khi con ra khỏi trường thi. Ảnh: Giang Huy. |
Lê Thu Huyền (THCS Trưng Nhị) thi tại Hội đồng thi THPT Việt Đức đánh giá phần nghị luận thú vị, không mới nhưng có thể khiến học sinh thoải mái "phóng bút". Đặc biệt câu số 2 liên quan đến bài thơ Bếp lửa có nhiều ý dễ, đòi hỏi học sinh có trí nhớ tốt, biết thêm về lịch sử. Như đề hỏi năm đói mòn đói mỏi trong bài thơ gợi nhớ thời điểm nào của đất nước? Hay nêu tên tác phẩm khác trong chương trình môn Văn cấp THCS cũng viết về tình cảm bà cháu và ghi rõ tên tác giả? Với dạng đề này, 120 phút là vừa đủ thời gian làm bài.
Thầy Nguyễn Phi Hùng, hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét đề năm nay gây bất ngờ đối với phần lớn học sinh. Bài thơ Bếp lửa đã nhiều năm không thi vào, nằm trong chương trình tự học có hướng dẫn. Tuy nhiên đây là đề thi hay, cập nhật vấn đề của xã hội đang quan tâm: việc giữ gìn truyền thống dân tộc của thế hệ trẻ. Với đề thi này, học sinh cần nắm chắc kiến thức và hiểu biết xã hội để đưa ra lập luận và dẫn chứng thuyết phục. Nhiều học sinh cho rằng đề thi "lệch tủ" song các em có thể vận dụng kiến thức thực tế để làm bài.
Sáng 8/6, hơn 75.000 học sinh Hà Nội làm bài thi môn Văn vào lớp 10 THPT. Chiều nay, các em thi Toán trong vòng 120 phút. Năm học này Hà Nội sẽ chỉ lấy 53.000 học sinh vào công lập, loại khoảng 23.000 khiến cuộc đua vào lớp 10 trở nên căng thẳng với cả phụ huynh và học sinh.
Phương Hòa - Giang Huy
Đề Văn gây bất ngờ cho thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội - VnExpress