Trường tuyển sinh 200 chỉ tiêu đào tạo Y đa khoa và 200 chỉ tiêu Dược học với mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày 2/6 thông báo tuyển 400 sinh viên hệ đại học chính quy ngành Y đa khoa và Dược học. Trường xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 của thí sinh với mức điểm đăng ký xét tuyển cả hai ngành là 20. Tổ hợp môn xét tuyển là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Lý giải việc tuyển sinh năm 2016 dù trước đó bị dư luận phản ứng, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, Bộ Giáo dục đã có quyết định 5738 ngày 19/11/2015 về việc cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo trình độ đại học cho ngành Y đa khoa và Dược học.
Sau đợt thanh tra liên ngành cuối tháng 12/2015, trường đã bổ sung các yêu cầu về số lượng cán bộ, thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm… và báo cáo thường xuyên lên Bộ Giáo dục. Vì thế, tại công văn số 68 ngày 24/2/2016, Bộ Giáo dục cho chỉ tiêu trường đào tạo Y đa khoa và Dược học là 400 chỉ tiêu.
Ngoài ra, trường cũng đã ký kết với 5 bệnh viện để sau này sinh viên có địa điểm thực tập. Ngày 8/6 tới, trường sẽ khai trương phòng khám tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây cũng sẽ là nơi để sinh viên trau dồi nghiệp vụ khi được đào tạo đầy đủ về lý thuyết. “Năm đầu tiên sinh viên mới học Toán, Lý, Hoá, Sinh, nhưng liên bộ đã yêu cầu phải có máy móc, trường đã đáp ứng đầy đủ với các thiết bị thí nghiệm trị giá hơn 80 tỷ đồng”, ông Hoá cho hay.
Việc Bộ Giáo dục cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh ngành Y đa khoa và Dược học dấy lên nhiều tranh cãi của dư luận vào cuối năm 2015. Ảnh: Bá Đô. |
Ngày 19/11/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học lý giải rằng trường đã có quá trình chuẩn bị điều kiện nhân lực, vật chất. Đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế qua thẩm định thực tế thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy.
Song, đại diện Bộ Y tế lại cho rằng trường chưa đủ điều kiện. 2 ngày trước khi Bộ Giáo dục cấp phép, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường khuyến cáo cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại cơ sở thực hành ngoài trường. Sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hai bộ Y tế, Giáo dục kiểm tra lại các điều kiện thành lập trường.
Chiều 28/12/2015, đại diện liên bộ Giáo dục, Y tế cho biết, sau khi kiểm tra điều kiện đào tạo ngành Y Dược tại trường này, hai bộ thống nhất đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành Dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng, bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo hai bộ.
Đối với ngành Y đa khoa, hai bộ sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi bổ sung đội ngũ, trong đó có một tiến sĩ sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng.
Trong mùa tuyển sinh năm 2015, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số trường khó tuyển sinh. Ở đợt xét tuyển thứ hai trường còn chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất cả nước với hơn 4.200 cho hệ đại học và 450 cho hệ cao đẳng.
Phương Hòa - Lan Hạ
Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh Y đa khoa và Dược - VnExpress