Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2017, 100% trường học sẽ được lắp đặt bể bơi di động và tất cả học sinh được học bơi.
Sáng 2/6, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã phát động phong trào dạy - học bơi hè 2016 "Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em". Ông Dũng yêu cầu các bể bơi phải niêm yết lịch học, nhắn tin thông báo cho phụ huynh biết để đưa con em tới học.
Đà Nẵng phát động phong trào dạy bơi cho học sinh để phòng tránh đuối nước. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, cho biết UBND TP Đà Nẵng có quyết định thu 200.000 đồng mỗi học sinh trên 12 buổi học bơi. Ngoài các trường, ngành cũng đã ký kết xã hội hóa với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị quân đội, công an mở cửa dạy bơi cho học sinh. Các em sẽ nộp phí để những cơ sở này có một khoản thu nhất định, theo phương châm hai bên cùng có lợi, mức tối đa không được vượt quá 200.000 đồng/học sinh/khóa học.
Đến nay đã có 12 hồ bơi di động xã hội hóa do 4 đơn vị đăng ký lắp đặt và ngày 15/6 sẽ đưa vào sử dụng. Ngành giáo dục sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để phụ huynh biết và không nhất thiết các em phải học bơi theo điểm trường mà học ở nơi gần nhất để thuận lợi đi lại.
Một số địa điểm còn khó khăn như phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu), Thọ Quang (Sơn Trà) hay huyện Hòa Vang, thành phố sẽ đầu tư ngân sách lắp đặt các bể bơi di động, đảm bảo học sinh được học bơi. Theo ông Vĩnh, số lượng bể bơi di động ở các trường học Đà Nẵng đang rất thiếu.
Ngành giáo dục Đà Nẵng cho biết sẽ phối hợp cấp chứng chỉ "tốt nghiệp" cho học sinh hoàn thành một cự ly bơi nhất định. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông. |
"Chúng tôi hy vọng mỗi trường sẽ được lắp đặt một bể bơi và phải mất một năm nữa. Các em sau khi đạt được thành tích nhất định, có thể là hoàn thành bơi bướm 20 mét, sẽ được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ này không tính vào kết quả học tập mà quan trọng là đảm bảo việc các em biết bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước", ông Vĩnh nói.
Sở Giáo dục Đà Nẵng đã giao quyền cho hiệu trưởng các trường kêu gọi đầu tư xã hội hóa bể bơi với hy vọng trường học sẽ trở thành trung tâm văn hóa trong mùa hè. "Xã hội hóa không phải là nhà trường thu tiền mà là phải đóng góp ngược lại cho xã hội bằng việc tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, vì mục tiêu dạy bơi cho học sinh", ông Vĩnh nói thêm.
Một tổ chức của Mỹ đã cấp tiền, trang thiết bị cho một số trường trên địa bàn để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, do chỉ dạy một khóa hè rồi nghỉ, các trang thiết bị để lâu không sử dụng cũng bị hư hỏng, gây lãng phí.
"Đến lúc này phải đẩy mạnh xã hội hóa việc dạy bơi, và phải dạy liên tục để các em thuần thục kỹ năng, chứ không chỉ trong hè. Chúng tôi không hy vọng 100% học sinh Đà Nẵng biết bơi, nhưng tất cả các em sẽ được học bơi", ông Vĩnh nói.
Nguyễn Đông
100% học sinh Đà Nẵng sẽ được học bơi - VnExpress