Quốc tế

"Cơn thịnh nộ" làm rung chuyển Bangkok

Thủ đô Bangkok rung chuyển vì biểu tình quy mô lớn nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Sự kiện ngày 13-1 được xem là "trận chiến cuối cùng" của phe đối lập ở Thái Lan.

Khu vực Tượng đài Dân chủ tràn ngập những người biểu tình.Ảnh: AP
Khu vực Tượng đài Dân chủ tràn ngập những người biểu tình.Ảnh: AP

Sớm hơn dự kiến, việc “đóng cửa Bangkok” được bắt đầu từ tối 12-1. Theo đó, lực lượng biểu tình chặn hàng loạt cửa ngõ ở Lat Phrao, Chaeng Wattana và Tượng đài Dân chủ, thúc đẩy việc “đóng cửa Bangkok” vào sáng sớm 13-1.

Phong tỏa các giao lộ

AP cho biết, thủ đô tràn ngập người biểu tình. Trong tâm trạng phấn khởi, họ mặc áo có chữ “Đóng cửa Bangkok”, thổi còi và vẫy những lá quốc kỳ có kích cỡ khác nhau. Thậm chí, những người biểu tình còn ca hát và nhảy múa trên đường phố. Lối vào khu vực thương mại chính với 6 giao lộ ở thủ đô - nơi có khoảng 12 triệu người sinh sống bị chặn. Song, giao thông nội đô khá thông thoáng bởi nhiều người không đi làm. Thay vào đó, họ quyết định ở nhà nhằm ủng hộ phe biểu tình hoặc lo sợ mang họa. Hầu hết trường học của Thái Lan và quốc tế tại Bangkok đều đóng cửa. Hoạt động biểu tình quy mô lớn lần này là một phần của chiến dịch kéo dài nhiều tháng qua nhằm yêu cầu Thủ tướng Yingluck từ chức.

Darunee Suredechakul, một người dân 49 tuổi ở Bangkok, nói rằng cần phải thực hiện các cải cách. Bà cho rằng, người Thái không muốn các chính trị gia tham nhũng như gia đình Thaksin trở lại nắm quyền.

Lãnh đạo phe biểu tình - cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban có mặt trong dòng người chống chính phủ. Ông Suthep khẳng định: “Trong cuộc chiến này, thất bại là thất bại và chiến thắng là chiến thắng”. Ông cho rằng, những người biểu tình biết rằng chính họ mới là chủ nhân của Thái Lan. AFP dẫn lời ông Suthep gọi sự kiện ngày 13-1 là “cuộc cách mạng của nhân dân”. Ông cùng những người ủng hộ vốn cam kết chiếm giữ thủ đô cho đến khi nào bà Yingluck từ chức, mà không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào với chính phủ, đồng thời dọa phá hoại bầu cử bởi lo ngại việc bỏ phiếu sẽ giúp dòng họ Shinawatra trở lại nắm quyền.

Có thể hoãn bầu cử

Mục tiêu thật sự của “cơn thịnh nộ” ngày 13-1 không phải là bà Yingluck mà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang sống lưu vong ở nước ngoài để tránh án tù vì tội tham nhũng. Phe đối lập cáo buộc bà Yingluck là “con rối” của anh trai - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006. Tuy nhiên, người dân nghèo ở Thái Lan ủng hộ cựu Thủ tướng bởi họ vốn được hưởng lợi từ các chính sách dân túy của ông, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe hầu như miễn phí.

Giữa lúc căng thẳng, bà Yingluck mời các thủ lĩnh biểu tình, đảng phái chính trị để thảo luận về kế hoạch hoãn cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2. Ủy ban Bầu cử trước đó khẳng định có thể hoãn bầu cử để các đảng phái chính trị có thêm thời gian giải quyết bất đồng. Một thành viên của Ủy ban này đề xuất bầu cử ngày 4-5.

Bà Yingluck chỉ định cho người cấp phó là ông Pongthep Thepkanchana tổ chức các cuộc gặp với tất cả các bên liên quan tới đề xuất hoãn tổng tuyển cử. Theo đó, ngày 15-1, ông Phongthep sẽ gặp gỡ đại diện của các nhóm gồm Ủy ban bầu cử, các đảng phái chính trị, các nhóm muốn tổ chức bầu cử và phản đối bầu cử. Giới phân tích cho rằng, đây là bước nhượng bộ lớn của Thủ tướng Yingluck nhằm xoa dịu căng thẳng.  

Chưa rõ biểu tình lần này có leo thang trở thành đảo chính hay không nhưng quân đội vẫn khẳng định sẽ không can thiệp vào khủng hoảng. Chính phủ Thái Lan hiện cũng chưa sử dụng luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok.

Cục Điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan ngày 13-1 ra lệnh triệu tập 55 thủ lĩnh của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) và các nhóm khác, đồng thời yêu cầu họ khai báo, thừa nhận những cáo buộc xung quanh những  cuộc biểu tình chống chính phủ. 55 nhân vật này sẽ bị cáo buộc hành động nổi loạn, kích động bất ổn và đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn trong bạo lực.

THIÊN BÌNH

.
Đà Nẵng

© 2021 FAP
  13,460       1/963